- Tổng thư ký Quốc hội: Luật An ninh mạng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người dân
- Tỉnh táo trước thủ đoạn của số đối tượng chống đối, phản động lưu vong
- Nhìn lại những điểm nhấn nổi bật tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân sáng nay, 17-6
Sáng nay, 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri 2 quận Thanh Xuân, Hà Đông (Hà Nội). Tại đây, nhiều cử tri của 2 quận chia sẻ đã theo dõi rất sát kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XIV và đánh giá kỳ họp này thể hiện tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ, đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Cử tri cũng đề cập đến một số nội dung cụ thể được Quốc hội bàn luận, quyết định tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, trong đó có việc lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu và thông qua Luật An ninh mạng, đồng thời đánh giá đó là những quyết định phù hợp, đúng đắn, thể hiện sự tiếp thu, lắng nghe ý kiến của ĐBQH, các nhà khoa học, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước..
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt các ĐBQH đoàn TP Hà Nội đánh giá cao, cảm ơn và trân trọng tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp rất thiết thực, sâu sắc của cử tri.
Tổng Bí thư dành thời gian để trao đổi rõ hơn với cử tri về 2 dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng bởi gần đây dư luận hết sức quan tâm. Thậm chí, vừa qua, đã xảy ra tình trạng tập trung đông người để phản đối; một số đối tượng đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động gây rối, đặc biệt ở Bình Thuận, tình hình rất nghiêm trọng.
“Chúng ta đã tập trung chấn chỉnh, khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm minh những đối tượng cầm đầu chống đối” – Tổng Bí thư nói.
Khung cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại hội trường trụ sở UBND quận Thanh Xuân
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Về dự án Luật Đặc khu, chúng ta có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế từ những năm 90 của thế kỷ trước, từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta đã khảo sát khu vực Vân Phong ở Khánh Hoà, với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm cơ chế mới để mở rộng ra các khu vực”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đây là vấn đề khó, mới, nhạy cảm nên chúng ta làm rất thận trọng. Có chủ trương rồi, Nghị quyết của Trung ương và các chỉ thị, chủ trương từ Ban Bí thư rồi”.
“Nhưng làm thế nào cho hiệu quả, liên quan đến quốc phòng an ninh, giữ gìn TTATXH, vừa phát huy sức mạnh trong và ngoài nước nhưng vẫn giữ được chủ quyền quốc gia. Đó là chủ trương nhất quán, nhưng thiết kế cụ thể thế nào thì mỗi nước mỗi khác, mỗi khu vực lại khác nên không thể làm đại khái.
Vừa rồi, chúng ta đã làm rất thận trọng, qua kỳ họp thống nhất tương đối cao, chuẩn bị thông qua tại kỳ họp vừa rồi nhưng vì có một số ý kiến đóng góp, Đảng, Nhà nước, Quốc hội thấy cần lắng nghe dân chủ, phải tiếp thu, bao giờ hoàn thiện tốt thì mới thông qua. Chúng ta đã quyết định dừng lại để lắng nghe” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhắc lại việc Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu vào ngày 8-6 nhưng đến ngày 10-6, ở một số nơi vẫn diễn ra biểu tình phản đối Luật, điều đó “chứng tỏ có ý đồ khác”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Tổng Bí thư cũng chỉ ra, trong Luật Đặc khu, điều băn khoăn nhất là cho thuê đất 99 năm. Song bản chất đây đâu phải bàn giao đất cho nước A, nước B rồi để người ta vào tự do mà phải có từng dự án đầu tư cụ thể. Luật Đất đai hiện hành quy định cho thuê đến 70 năm, còn đây là Luật về đặc khu nên dự kiến khuyến khích, quy định thời hạn thuê đất không quá 99 năm và trường hợp đặc biệt được thuê đất 99 năm thì cũng phải qua quy trình xét duyệt rất chặt, Thủ tướng phê duyệt.
Tổng Bí thư nói: “Một số đối tượng kích động chỗ này, cho rằng để cho Trung Quốc vào đây 99 năm thì mất nước, vì thế kích động đi biểu tình để biểu thị lòng yêu nước. Rõ ràng sự thật đã bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng, kích động để chống đối. Vừa rồi chúng ta quyết tâm chấn chỉnh bằng cách xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, phá hoại. Mong cử tri hiểu rõ chỗ này”.
“Bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của nhân dân, có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài, nên rất mong nhân dân bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đảng vì nước vì dân chứ không phải vì mục đích gì khác, không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để người ta vào làm rối mình, không ai ngây thơ thế. Phải đập tan âm mưu phá hoại” – Tổng Bí thư nói thêm.
Cũng theo Tổng Bí thư, phá rối chính trị là rất nguy hiểm. Và thực tế chúng ta cũng đã có những bài học, đã xảy ra những vụ phá hoại trước đây như ở Tây Nguyên năm 2004, Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011.
Tương tự, về việc Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5- Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trên thế giới rất nhiều nước đã có Luật này. Việc thông qua luật là cần thiết, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghệ nghệ 4.0 như hiện nay, bởi công nghệ phát triển mang đến nhiều lợi ích nhưng mặt khác cũng đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ để tránh lợi dụng không gian mạng kích động, gây rối, phá hoại.
“Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ, lợi rất lợi, nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác. Luật ra đời nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ quyền công dân. Một số phần tử kích động đẩy vấn đề lên nhưng Quốc hội ta sáng suốt, vẫn thông qua với 86,86% đại biểu tán thành. Phải hết sức tỉnh táo, không mắc mưu” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Cuối cùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nếu trong nội bộ chúng ta có khuyết điểm thì chúng ta phải sửa, tuyệt đối không nuông chiều, che giấu tiêu cực. Nhưng ngược lại, nếu để lợi dụng để kích động, chống chế độ thì mất nước, mất chế độ. “Hai luật này rất nhạy cảm. Luật An ninh mạng thông qua rồi. Luật Đặc khu sẽ nghiên cứu hoàn thiện, nếu có lợi thì phải thông qua” – Tổng Bí thư nói.
Dự kiến, 14h chiều nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).