"Khuyết" Tổng giám đốc 20 ngày, Eximbank muốn sửa Điều lệ

ANTD.VN - Eximbank vừa công bố thêm tờ trình đại hội cổ đông về việc sửa đổi điều lệ ngân hàng liên quan đến người đại diện theo pháp luật, do ngân hàng này bị “khuyết” Tổng giám đốc kể từ ngày 5/4/2019.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam vừa công bố thêm tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019, bao gồm các tờ trình do ông Lê Quốc Minh đứng tên, về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều lệ ngân hàng.

Theo đó, tại tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 2 Điều lệ Eximbank, ngân hàng này cho biết theo quy định tại Điều lệ ngân hàng hiện nay quy định “Tổng giám đốc là đại diện theo pháp luật của Ngân hàng”.

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của Eximbank đang xảy ra trường hợp Tổng giám đốc bị miễn nhiệm và ngân hàng chưa hoàn tất thủ tục bổ nhiệm nhân sự thay thế.

Theo quy định, chức danh Tổng giám đốc ngân hàng phải được NHNN xem xét chấp thuận dự kiến trước khi HĐQT bổ nhiệm. Do đó, trong thời gian khuyết chức danh này, Eximbank không có người đại diện theo pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của ngân hàng, đại diện cho Eximbank với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án, các quyền và nghĩa vụ khác.

Do đó, Eximbank kiến nghị sửa đổi điều khoản này theo hướng người đại diện theo pháp luật của ngân hàng là Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc thay thế.

Ngoài ra, Eximbank cũng đề xuất sửa đổi  Điểu 33 Điều lệ Eximbank. Theo đó, trong Điều lệ hiện hành, ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nếu cuộc họp lần đầu không thành công thì cuộc họp lần 2 được triệu tập trong vòng 30 ngày và chỉ được tiến hành khi có ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngân hàng này đề xuất sửa theo hướng: Cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có ít nhất 51% số cổ phần có quyền biểu quyết. Trường họp cuộc họp lần thứ 2 thì phải có ít nhất 33% số cổ phần có quyền biểu quyết và được triệu tập trong vòng 30 ngày.

Tờ trình thứ 3 là sửa đổi Khoản 6, Điều 35 đang quy định việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua quyết định của ĐHĐCĐ chỉ được thông qua nếu có 65% số cổ phần có quyền biểu quyết tán thành. Eximbank đề xuất sửa đổi việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tán thành.

Vấn đề nhân sự Eximbank đang rất "nóng"

Theo kế hoạch, ĐHCĐ Eximbank sẽ diễn ra vào sáng mai, 26/4. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vấn đề nhân sự cấp cao của Eximbank vẫn “rối như canh hẹ”.

Trước đó, trong nhiều tờ trình ĐHCĐ của Ban điều hành Eximbank đều không có chữ ký của Tổng giám đốc ngân hàng.

Ông Lê Văn Quyết được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Eximbank vào ngày 15/12/2015 và làm Tổng giám đốc từ ngày 5/4/2016. Tính đến ngày 5/4 vừa qua, ông Quyết đã hết hạn hợp đồng lao động.

Ngày 4/4, Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Minh Quốc đã triệu tập họp HĐQT liên quan đến việc bổ sung nội dung bầu mới Chủ tịch HĐQT và gia hạn hợp đồng với Tổng giám đốc Lê Văn Quyết của các Thành viên HĐQT ngân hàng này.

Tuy nhiên, cuộc họp đã không thể diễn ra theo kế hoạch do không đủ thành viên tham dự, do vậy hợp đồng với ông Lê Văn Quyết tự động hết hạn trước khi được gia hạn.

Được biết, phía nhóm cổ đông còn lại cũng đang triệu tập cuộc họp liên quan đến vấn đề này.

Trước đó, chiều 22/3, HĐQT Ngân hàng Eximbank đã ban hành Nghị quyết 112 bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT (nguyên TGĐ Nam A Bank, được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên HĐQT độc lập.

Tuy nhiên, sau đó ông Lê Minh Quốc đã có đơn gửi TAND TP.HCM yêu cầu huỷ Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank. TAND TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Theo báo cáo thường niên và báo cáo quản trị 2018, cơ cấu cổ đông của Eximbank hiện có Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông chiến lược sở hữu 185,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15%. Vietcombank nắm giữ 55,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,5%. Thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú sở hữu 13,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,12%. Các cổ đông tổ chức chiếm 49,3% vốn, trong đó tổ chức nước ngoài chiếm 29,6% và tổ chức trong nước là 19,7%.