Nord Stream 2 bị chặn: Châu Âu đang tự bắn vào chân mình?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nord Stream 2 của Nga bị chặn khiến EU mất đi nguồn cung khí đốt lớn, giá rẻ, trong khi khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang lan tràn.

Anthony Fayola - tác giả chuyên mục bình luận quốc tế trên tờ “Bưu điện Washington” (Washington Post) của Mỹ mới đây đã nhận xét về tình thế tiến thoái lưỡng nan của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối với dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí từ Nga xuyên Baltic tới Đức mang tên “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2).

“Chỉ hai tuần trôi qua kể từ khi Scholz lên nắm quyền, đường ống dẫn khí đốt đã trở thành vấn đề đau đầu của ông ấy. Ngoài ra, vấn đề vận hành đường ống đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với Berlin sau khi bà Angela Merkel rời ghế Thủ tướng” - tác giả viết.

Theo bài báo, người đứng đầu chính phủ mới của Đức đang chịu áp lực từ các đồng minh châu Âu, đang cố gắng thuyết phục ông sử dụng “Dòng chảy phương Bắc-2” như một “cây gậy” chống lại Moscow vì tình hình căng thẳng trên biên giới Nga-Ukraine.

Mặt khác, Fayola cũng nhấn mạnh những lợi thế của dự án cung cấp khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” đối với Đức và các nước Liên minh châu Âu.

Tuyến đường ống Nord Stream 2 từ Nga xuyên đáy biển Baltic đến Đức
Tuyến đường ống Nord Stream 2 từ Nga xuyên đáy biển Baltic đến Đức

Theo chuyên gia này, châu Âu hiểu rằng, đường ống dẫn khí đốt mới được xây dựng sẽ cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy và hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống đổ nát và rỉ sét của Kiev, được Liên Xô xây dựng cách đây mấy chục năm từ thời “Chiến tranh Lạnh”.

Đó là lý do tại sao các quốc gia trên lục địa này chia thành hai phe - chẳng hạn như Đức, Áo, Serbia, Hungary… ủng hộ việc sớm đưa dự án đi vào vận hành; trong khi một số nước có tư tưởng thù địch với Nga như Ba Lan và các nước Baltic, cùng với một số nước có quyền lợi bị giảm đi như Ukraine, lại kịch liệt chống lại Nord Stream 2.

Nhà báo cho rằng, nhiều người Đức thích cách tiếp cận thực dụng trong quan hệ với Moscow và ủng hộ việc thực hiện “Dòng chảy phương Bắc-2”.

Theo chuyên gia năng lượng Nikos Tsafos, nếu Scholz quyết định chấm dứt dự án, điều này khiến ngành công nghiệp Đức vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu giá rẻ từ Nga sẽ trở nên lao đao, Berlin cũng mất vị thế của mình trong chuỗi cung ứng năng lượng, đồng thời địa vị chi phối của Đức đối với các nước Liên minh châu Âu cũng bị giảm đi.

Trước đó, nhà phân tích chính trị người Đức Alexander Rahr bình luận rằng, trong Liên minh châu Âu có những thế lực chủ trương phản đối dự án của Nga và điều này không liên quan đến khía cạnh kỹ thuật của vấn đề.

Theo ông, những chính trị gia ở Brussels đã nhắm mắt làm ngơ trước mọi thứ. Do không phải trả tiền điện trong văn phòng và nhà ở của mình, nên họ luôn giữ vững tư tưởng là một khi đã lựa chọn chống lại “Dòng chảy phương Bắc-2” thì phải tiếp tục chống đến cùng và trong bất kỳ tình huống nào cũng không được bật đèn xanh cho dự án.

Vị chuyên gia chính trị lưu ý, thực tế là châu Âu khát năng lượng nên việc sớm đưa “Dòng chảy phương Bắc-2” vào hoạt động để có được nguồn khí đốt bổ sung là điều cần thiết phải làm trong thời gian sớm nhất, nhưng các chính trị gia lại cương quyết từ chối là điều hết sức phi lý.

Do đó, nếu Nord Stream 2 bị chặn thì đây không chỉ là thất bại của Đức mà thực tế là châu Âu đang “tự bắn vào chân mình”.

Ông Rahr kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu không nên cố chấp cho mình là đúng, nên thừa nhận sai lầm của họ và chìa tay ra với Nga, hợp sức hai bên để giải quyết cơn khủng hoảng khí đốt hiện đang lan tràn ở “Lục địa già”.