Khủng bố tinh thần xử lý như thế nào?

ANTĐ - Mặc dù tình trạng khủng bố tinh thần đang diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật hiện hành lại chưa có điều khoản cụ thể nào quy định về việc xử lý đối với hành vi này. Do đó, trong trường hợp dù đã xác định rõ đối tượng việc xử lý hình sự vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Những kiểu khủng bố tinh thần

Ngày 12-6, đồn Công an Bắc Đuống, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhận được đơn trình báo của gia đình ông Nguyễn Văn Quang (Yên Viên, Gia Lâm) về việc ngày 11-6, gia đình ông bị 4 đối tượng kéo đến khủng bố tinh thần. Theo tường trình của ông Quang, tối hôm đó có 4 đối tượng đi 2 xe máy đến nhà ông, sau khi ném chất bẩn vào cửa, chúng xách vòng hoa đi vào, đặt vòng hoa xuống rồi bỏ đi. Sau khi đồn Công an Bắc Đuống phối hợp với Công an huyện Gia Lâm vào cuộc đã làm rõ 4 đối tượng đã thực hiện hành vi trên. Từ lời khai của các đối tượng này, nguyên nhân của vụ việc đã được làm rõ. Xuất phát từ mâu thuẫn không được giải quyết của một cuộc tình tay ba, các đối tượng đã bàn mưu dùng vòng hoa và mắm tôm để dằn mặt tình địch.

Trong những việc có cùng chung hành vi khủng bố tinh thần như trên phần nhiều xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân và đặc biệt phổ biến là tình trạng sử dụng hình thức này để gây áp lực đòi nợ thuê. Điển hình là vụ việc xảy ra vào tháng 4 vừa qua tại quận Cầu Giấy - Hà Nội. Sự việc bắt đầu khi bà Nguyễn Thị Thưởng (SN 1953, HKTT Liễu Giai, Ba Đình) trình báo với cơ quan công an về việc có vay 78  triệu đồng của bà Đỗ Thị Ngọ (SN 1942 ở Dịch Vọng, Cầu Giấy). Sau nhiều lần đòi nợ nhưng không được, bà Ngọ đã thuê một nhóm người tới khủng bố con nợ bằng cách tung bom bẩn gồm mắm tôm và dầu luyn vào nhà và quán nước của nạn nhân với mục đích ép bà Thưởng phải trả tiền cho mình. Sau khi trình báo với cơ quan công an, tổ công tác Công an phường Dịch Vọng, Cầu Giấy đã bắt quả tang khi nhóm đòi nợ thuê và chủ nợ đang nhận số tiền 5 triệu đồng của nạn nhân tại một quán cà phê.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, còn rất nhiều các vụ việc khủng bố tinh thần khác đã xảy ra nhưng do thiếu chứng cớ hoặc thiếu các điều khoản quy định nên cơ quan chức năng chưa thể xử lý. Hành vi khủng bố tinh thần khá đa dạng và xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau từ nhắn tin, gọi điện đe dọa, rạch yên xe cho đến đặt vòng hoa, đổ chất thải, chất bẩn trước cửa nhà, thậm chí là mang cả quan tài đến nhà người khác. Trong một buổi sáng mở cửa đi tập thể dục, chị Trần Thị Tiệm (Mê Linh - Hà Nội) tá hỏa khi thấy 2 vòng hoa tang đặt ngay trước cửa nhà mình. Khi  bật đèn điện thoại đọc dòng chữ trên dải băng đen gắn ở vòng hoa ghi rõ tên tuổi của chồng mình chị mới kinh hãi xé dải băng đen rồi bê 2 vòng hoa ném xuống ao rau muống. Tương tự như vậy là trường hợp của ông Đỗ Văn Yết (Hải Hậu - Nam Định) bị một nhóm người chở 2 chiếc quan tài đến đặt trước cửa nhà rồi bỏ đi trước sự chứng kiến của nhiều người. Còn nhà bà Vũ Thị Mười (Mỹ Hào - Hưng Yên) cũng bị các đối tượng đăt vòng hoa héo và chiếc tiểu sành bên trong có một đầu chó dính máu cùng nhiều tiền vàng… Tất cả những sự việc làm này đều có chung mục đích là tác động vào tâm lý của người bị đe dọa khiến cho người bị khủng bố tinh thần rơi vào trạng thái bị khủng hoảng, hoang mang, lo sợ.

Khó xử lý đúng tội danh

Xét dưới góc độ xã hội TS Lưu Hồng Minh, trưởng khoa Xã hội học thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những hành động khủng bố tinh thần như trên không chỉ đe dọa trực tiếp đến gia đình người bị hại mà còn tác động xấu đến tâm lý của đại bộ phận dân chúng. Hơn nữa, thông qua việc khủng bố tinh thần như mang quan tài, đặt vòng hoa là những vật đen đủi đến nhà người khác ngầm chứa đựng ý nghĩa dọa giết, gây hoang mang cho dư luận. Do vậy đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải làm sáng tỏ để trấn an dư luận. Tuy nhiên, có thể thấy trong số các vụ việc khủng bố tinh thần được ghi nhận, không nhiều vụ việc được cơ quan chức năng xử lý về đúng hành vi. Nguyên nhân là bởi những hành vi khủng bố kiểu “quái chiêu” như trên, mặc dù gây ảnh hưởng nặng nề cho các nạn nhân nhưng các điều luật quy định về hành vi này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bộ luật Hình sự hiện hành chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về hành vi khủng bố tinh thần người khác, chính vị vậy, ngay cả trong trường hợp xác định được đối tượng thì việc xử đúng lý hành vi của đối tượng là rất khó khăn. Đặt trường hợp nếu xử lý hành chính thì hiện tại cũng chưa có chế tài. Nghị định 49-CP của Chính phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT” chưa có quy định về các hành vi khủng bố tinh thần. 

Ở một số trường hợp cụ thể, xét thấy hành vi phạm tội mang dấu hiệu cấu thành tội phạm ở một số điểm quy định trong Bộ Luật Hình sự các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp xử lý. Ví dụ như việc khủng bố tinh thần gây ảnh hưởng lớn đến trật tự chung thì cơ quan chức năng có thể áp dụng tội “Gây rối trật tự công cộng”. Hay như trong những vụ việc liên quan đến đòi nợ thuê. Việc sử dụng các hình thức có tính chất khủng bố tinh thần có thể coi là hình thức cưỡng đoạt tài sản và phải bị xử lý bằng hình sự. Còn với các hành vi khủng bố tinh thần thông qua hình thức nhắn tin. Trong trường hợp “khủng bố tinh thần” mà nội dung tin nhắn này đe dọa đến tính mạng thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 103 Bộ luật Hình sự về tội đe dọa giết người. 

Thế nhưng, xét một cách tổng thể, trong rất nhiều các vụ viêc có liên quan đến hành vi khủng bố tinh thần đã xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn cả nước, chỉ có rất ít những vụ việc bị xét xử hình sự. Điều này cho thấy những hạn chế của việc áp các dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự đối với các hành vi khủng bố về tinh thần. Thực tế là trong những trường hợp, đối tượng lặng lẽ sử dụng các hành vi khủng bố tinh thần đối với người bị hại nhưng lại không phạm vào các dấu hiệu của của hành vi gây rối trật tự công cộng (như lăng mạ bằng lời nói hoặc bằng hành vi như hành hung, đánh người, đập phá đồ đạc hoặc hủy hoại tài sản hoặc không gây ảnh hưởng đến trật tự chung…) thì khó có thể quy kết về tội gây rối trật tự nơi công cộng. Còn trong không ít những trường hợp liên quan đến việc nợ nần, do người bị hại lo sợ bị những đối tượng này đe dọa, trả thù đã không trình báo với cơ quan công an nên không có căn cứ để xử lý.

Xét trong hành vi khủng bố tinh thần qua hình thức nhắn tin, gọi điện. Nếu đối tượng nhắn tin, bêu riếu người khác, tung tin đồn thất thiệt, loan truyền những tin bịa đặt xúc phạm danh dự, gây thiệt hại đến quyền lợi người khác nhưng không có biểu hiện đe dọa tính mạng, hoặc đối tượng  sử dụng “chiến thuật” nhắn tin và gọi nhiều cuộc trong cùng một ngày và diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp. Hành vi này chắc chắn sẽ gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bị khủng bố song lại khó có thể khép tội đe dọa giết người.

Có thể thấy rằng, tình trạng khủng bố tinh thần đang diễn ra rất nhức nhối trong xã hội xâm phạm nghiêm trọng các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên trong quy định của pháp luật hiện nay lại chưa có điều khoản cụ thể nào quy định về việc xử lý đối với hành vi này. Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn cụ thể, nếu cần thiết có thể bổ sung  tội danh khủng bố tinh thần trong Luật Hình sự để có thể xử lý triệt để hành vi này.