Không vì đã tiêm 2 mũi vaccine mà chủ quan, gây lây lan dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “Zero Covid” (Không Covid) khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày càng cao, song điều đó hoàn toàn không cho phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà càng phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nhất là nguyên tắc “5K”.

* Thích ứng linh hoạt, an toàn càng phải tuân thủ nghiêm “5K”

Cần phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch nhất là nguyên tắc “5K” dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19

Cần phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch nhất là nguyên tắc “5K” dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19

Đã tiêm phủ hơn 90 triệu liều vaccine phòng Covid-19

Nhờ quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi trong việc thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, chúng ta đăng tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên cả nước. Tính tới hết ngày 8-11, cả nước đã tiêm được tổng cộng hơn 90 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 61 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 29 triệu liều.

Như vậy, theo số liệu công bố ngày 8-11 từ Bộ Y tế, tới nay đã có trên 83% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19. Tính trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 là 83,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 39,8% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 73,9% và 33,9%; miền Trung là 82,0% và 25,7%; Tây Nguyên là 72,8% và 10,5%; miền Nam là 92,9% và 52,5%.

Tính ra, 14/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương và Cà Mau.

12/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (100%), Khánh Hòa (89,7%), Quảng Ninh (86,8%), TP.HCM (80,4%), Đồng Nai (75,4%), Lạng Sơn (72,6%), Hà Nội (69,2%), Bình Dương (67,6%), Hà Nam (62,1%), Bắc Ninh (61,4%), Ninh Bình (51,2%) và Đồng Tháp (51,1%). 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Sơn La (42,2%), Thanh Hóa (46,0%), Nam Định (49,9%), Tuyên Quang (50,6%) và Nghệ An (54,4%).

Hiện, nhiều địa phương đã lên kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi để có thể sớm mở cửa trở lại trường học, đưa học sinh tới trường học trực tiếp thay vì học online như thời gian dài vừa qua. Việc tiêm chủng sẽ ưu tiên cho học sinh cuối cấp là lớp 9 và 12; học sinh đầu cấp là lớp 6 và 10.

Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, khoảng trên 1 triệu mũi tiêm mỗi ngày và lượng vaccine về nước ngày càng nhiều, chúng ta tin tưởng sẽ sớm đạt được mục tiêu tiêm phủ đầy đủ 2 mũi cho khoảng 70% dân số trở lên, tỷ lệ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

Không thể chủ quan, lơ là khi đã tiêm 2 mũi vaccine

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 gia tăng cùng các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ chống dịch đã giúp chúng ta dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như mọi mặt hoạt động của xã hội trong tình trạng bình thường mới. Việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh cũng giúp chúng ta chuyển đổi tư duy và cách thức chống dịch từ “Zero Covid” (Không Covid) sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội.

Thế nhưng, cần nhận thức rất rõ và sâu sắc là tiêm vaccine phòng Covid-19, kể cả khi đạt tới tỷ lệ 70% số dân hoặc cao hơn nữa thì đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để không chế đại dịch, không cho dịch tái bùng phát, lây lan trên diện rộng và số lượng người mắc bệnh lớn.

Thực tế, triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế thời gian qua cho thấy có biểu hiện xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong một bộ phận người dân, nhất là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Những ngày gần đây, số liệu thống kê ca mắc Covid-19 mới trong ngày của Bộ Y tế cho thấy đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, cùng với đó là gia tăng số người bệnh trở nặng phải nhập viện và số trường hợp tử vong.

Đáng lo ngại là một số tỉnh thành phía Bắc có trường hợp mắc Covid-19 những ngày qua cao hơn rất nhiều thời điểm căng thẳng của đợt dịch thứ tư, khi nhiều tỉnh và thành phố phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có những địa phương có ca ca mắc bệnh rất ít, thậm chí không có trong đợt dịch thứ tư và qua, song chỉ mấy ngày qua đã có số ca mắc lên tới hàng nghìn như Hà Giang; có những ổ dịch phức tạp với hàng chục ca mắc như Quảng Ninh…

Tình hình dịch trên địa bàn TP.HCM còn diễn biến phức tạp nhưng nhiều người dân đã chủ quan, khiến số người nhập viện và trường hợp tử vong đều tăng trong những ngày gần đây. Một nguyên nhân quan trọng, đó là nhiều người thực hiện chưa nghiêm quy định khuyến cáo phòng chống dịch như tụ tập đông người, không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang…

Tại Hà Nội, số trường hợp mắc Covid-19 mới cũng có dấu hiệu gia tăng ở mức cao với trên dưới một trăm ca/ngày thời gian gần đây, trong đó ngày 5-11 ghi nhận thêm tới 133 ca dương tính với SARS-CoV-2, bằng số ca mắc cao nhất trong một ngày thời gian thực hiện giãn cách xã hội (133 ca vào ngày 29-8). Bên cạnh nguyên nhân do chủng Delta dễ lây lan có tâm lý chủ quan, lơ là của người dân, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, nhất là nguyên tắc “5K”.

Các cơ quan chuyên môn và chuyên gia khẳng định, những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 dù ít có triệu chứng, ít trở nặng và tỷ lệ tử vong thấp hơn, nhưng vẫn hoàn toàn có thể mắc bệnh và vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng rất cao thì vẫn có những đối tượng chưa tiêm vaccine như trẻ em còn nhỏ hay người có bệnh nền không thể tiêm vaccine… Do đó, không thể ỷ vào việc đã tiêm đủ liều vaccine mà chủ quan, lơ là, thậm chí là vi phạm các nguyên tắc phòng chống dịch.

Trước diễn biến còn phức tạp của dịch Covid-19 tại nước ta, Thủ tướng Chính phủ ngày 7-11 có Công điện gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm antoancovid; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện “5K”, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.