Động đất khủng khiếp ở Nepal:

Không thể tìm thấy người mất tich còn sống sót sau 8 ngày thảm họa

ANTĐ -  Chính quyền Nepal đã loại trừ khả năng tìm thêm được trường hợp sống sót sau trận động đất diễn ra vào tuần trước và số người thiệt mạng hiện đã tăng lên 6.621 người.

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức trong việc giải cứu. Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi không nghĩ rằng có trường hợp nào sống sót”, người đại diện Bộ Nội vụ Nepal cho biết.

Số người thiệt mạng sau thảm hoạ động đất ở Nepal vẫn đang tăng lên 

Nepal cho biết 14.021 đã bị thương sau trận động đất 7,9 độ richter vào hôm 25-4. Số lượng người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng khi công tác cứu hộ vẫn đang được thực hiện ở các khu vực  Dhading, Rasuwa và Sindhupalchok.

Trong khi phần lớn những người thiệt mạng đều ở Nepal, khoảng 100 người đã được ghi nhận chết tại các vùng lãnh thổ láng giềng như Ấn Độ, Tây Tạng (Trung Quốc) và Bangladesh. 

Đặc biệt đáng lưu tâm là thông tin từ Đại sứ EU ở Nepal, ông Rensje Teerink cho biết: Khoảng 1.000 công dân của EU hiện vẫn đang mất tích. Nepal hiện đang kêu gọi các sự hỗ trợ nhân đạo từ nước ngoài và thừa nhận rằng họ đã không chuẩn bị tốt để có thể ứng phó trước thảm hoạ khủng khiếp này.

Lở đất và điều kiện thời tiết xấu cũng đã làm công tác cứu hộ diễn ra khó khăn hơn trong khi đó, cũng chỉ có khoảng 20 chiếc trực thăng sẵn sàng cho công tác giải cứu. Bộ trưởng Thông tin Nepal, ông Minendra Rijal nói với hãng tin AP rằng nước này có 400.000 chiếc lều, tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ có khoảng 29.000 chiếc được mang ra sử dụng.

Bộ trưởng Tài chính Nepal, Ram Sharan cho biết nước này cần thêm các hỗ trợ về đồ ăn, ngoài ra, Nepal cũng chưa nhận được bất kì khoản tiền hỗ trợ nào từ nước ngoài: “Chúng tôi chưa nhận được tiền hỗ trợ như đã hứa của các nước ngoài. Tôi không nói là khoản tiền sẽ không đến. Chỉ là nó sẽ mất một thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi đang cần tiền để duy trì hoạt động khắc phục thảm hoạ”.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng đang cảnh báo môi trường sau thảm hoạ như việc các thi thể vẫn chưa được thu lượm hết, nguồn nước nhiễm khuẩn và bệnh viện quá tải, có thể khiến nhiều dịch bệnh bùng phát.