Không thể mượn cớ chống lại cái xấu mà hành động tùy tiện

ANTD.VN - Chỉ vì mù quáng tin theo tin vô căn cứ, dựa vào những phán đoán chủ quan của bản thân mà hàng chục đối tượng đã lao vào đốt xe của người đi mua gỗ ở Hải Dương, đánh người bán tăm bông ở Sóc Sơn (Hà Nội) đến thừa sống thiếu chết…

Không dừng lại ở đó, để câu like bán hàng, có đối tượng còn tung lên mạng xã hội một số ảnh chụp tại một cuộc diễn tập với nội dung “Tại Nội Bài, mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng”. Việc tung thông tin thất thiệt này lên mạng đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý các hành khách. Trước đó, chủ một hiệu cắt tóc tại Hà Nội đã dàn dựng clip rửa chân trong xô nước pha trà đá rồi tung lên mạng câu like khiến nhiều người dân hoang mang.

Không thể mượn cớ chống lại cái xấu mà hành động tùy tiện ảnh 1Hình ảnh hai người phụ nữ bị đánh oan do nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn, Hà Nội

Thể hiện sự độc ác, coi thường pháp luật

Nhận xét về các vụ việc nêu trên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng thư ký - Hội xã Hội học Việt Nam cho rằng, thực tế đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ những thông tin ảo. Điều này thể hiện sự tàn bạo, ngu dốt và coi thường pháp luật của không ít người dùng mạng xã hội. Có thể nói, chưa bao giờ việc tung tin đồn thất thiệt lại nở rộ như thời gian gần đây. Nó không chỉ diễn ra ở những người dân thiếu tỉnh táo, dân trí thấp mà ngay cả những người có học thức, có vị trí nhất định trong xã hội cũng hùa theo đám đông chia sẻ những thông tin dù chưa biết rõ nguồn gốc cũng như độ tin cậy của chúng. Những tin đồn này gây bất an trong dư luận và cơ quan chức năng phải mất không ít thời gian và công sức để vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, tin đồn thường xuất phát từ dụng ý hay thói vị kỷ của ai đó, có thể do thù tức cá nhân, vì cạnh tranh trong làm ăn nhưng cũng có thể chỉ nhằm câu like. Khi tung tin, họ sẽ tìm mọi cách để thông tin này được lan tỏa nhanh chóng, và mạng xã hội là một trong những công cụ hữu hiệu để phát tán tin đồn. Hành vi tung tin đồn nhảm trên mạng xã hội ngày càng gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ phức tạp. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống “ảo” của một số cá nhân hoặc do ý đồ phá hoại, gây mất ANTT của một số đối tượng. “Việc hàng chục người lao vào đánh một người chỉ vì nghi họ bắt cóc trẻ em không phải là biểu hiện nghĩa cử cao đẹp, muốn ngăn chặn khi thấy chuyện bất bình mà đơn thuần là do tâm lý bị kích động, hùa theo đám đông. Điều này thể hiện thói côn đồ, hung hãn, sự độc ác và coi thường pháp luật” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ quan điểm.

Cần xử lý nghiêm!

Bình luận về các vụ việc nêu trên, nhiều người dân cho rằng, trong xã hội thượng tôn pháp luật, không ai có thể mượn cớ chống lại cái xấu mà tùy tiện hành động. Sau khi những vụ đánh oan người vô tội liên tiếp xảy ra nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng xác minh xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu thì sẽ còn xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc tiếp theo, đặc biệt là những kẻ côn đồ, quá khích sẽ lợi dụng sự việc để gây rối, làm mất ANTT. 

Về trách nhiệm pháp lý của đối tượng thực hiện hành vi đánh người, phá hoại tài sản, tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; tuyên truyền những điều bị cấm hoặc phát tán các thông tin giả mạo, sai sự thật. Tùy theo mức độ, hậu quả, cá nhân thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm, bắt cóc người… song chỉ quy định trường hợp chống trả, bắt người đúng luật đó là phòng vệ chính đáng và trong tình thế cấp thiết.

Do đó, việc đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho người khác khi chưa có bằng chứng chứng minh họ phạm tội và ngay cả khi họ đã phạm tội là không được phép. Việc một số đối tượng chỉ nghe thông tin từ người xung quanh mà đã đánh đập, gây thương tích cho người bị nghi là bắt cóc trẻ em tại Sóc Sơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. 

Với vụ việc xảy ra tại Hải Dương, không chỉ bắt giữ người mà một số đối tượng còn đốt xe ô tô của hai người đàn ông mà họ cho rằng đã “thôi miên”, bắt cóc trẻ em, hành vi này vi phạm Điều 123 Bộ luật Hình sự về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Còn đối với vụ tung tin cháy máy bay ở Nội Bài, người tung tin thất thiệt có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng hoặc bị xử lý về Tội vu khống với mức hình phạt từ 3 tháng-7 năm tù nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.