Không thể để các địa phương ồ ạt xin phá rừng làm kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Chỉ trong tháng 10, các tỉnh miền Trung dồn dập gánh chịu bão lũ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Một trong những nguyên nhân được nhiều người đưa ra là do tình trạng phá rừng đầu nguồn, chất lượng rừng không cao.

Chất lượng rừng của Việt Nam đang được đánh giá là thấp

Chất lượng rừng của Việt Nam đang được đánh giá là thấp

Xin phá rừng lấy đá vôi, làm điện gió

Những nỗi đau do bão, lũ gây ra tại miền Trung vẫn còn nguyên. Đến nay, 12 người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế từ ngày 12-10 còn chưa tìm thấy. Tuy vậy, những ngày qua, liên tiếp các địa phương ở miền Trung có văn bản xin phá rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên để làm kinh tế như công nghiệp xi măng, du lịch, điện gió…

Ngày 30-10, UBND tỉnh Ninh Bình đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi. Mục đích của hoạt động này là để làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 nhà máy xi măng Duyên Hà. Tương tự, ngày 26-10, UBND tỉnh Quảng Nam có tờ trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, huyện Nam Trà My. Tuy nhiên tỉnh này chưa làm rõ số diện tích, khu vực rừng bị phá. Tiếp đến là UBND tỉnh Bình Thuận đệ đơn xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110Kv.

Trong các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên..., dự án có tên là “Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2”. Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Bình Thuận, trong đó, phân bổ chỉ tiêu cho dự án diện tích 60ha tại huyện Bắc Bình. Tuy nhiên, trong tờ trình của tỉnh Bình Thuận, dự án có thêm câu từ và trở thành một dự án mới: “Dự án Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110Kv”. Không những thế, nhiều phần diện tích rừng không được trình bày mục đích sử dụng rõ ràng.

Chỉ 1,81% diện tích rừng xin chuyển mục đích được duyệt

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, từ năm 2017, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW đến nay, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức rà soát hồ sơ, kết hợp với kiểm tra thực địa đối với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích đề nghị là 183.000ha. Trong đó, rừng tự nhiên 39.000ha, rừng trồng trên 74.000ha, đất chưa có rừng 13.800ha, diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 56.500ha. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng các dự án đảm bảo hồ sơ đúng quy định pháp luật, thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh là 133 dự án, chiếm 3,66% dự án đề xuất, với diện tích 3.325ha, chiếm 1,81% diện tích đề xuất (rừng tự nhiên 1.581ha, rừng trồng 1.582ha, đất chưa có rừng 164ha), trong các dự án này, không có dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện.

Cụ thể, tờ trình của tỉnh Bình Thuận nêu quy mô sử dụng 45,41ha. Nhưng, trong tờ trình mới nói đến 28,52ha rừng tự nhiên (bao gồm 23,62 ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4,91ha quy hoạch rừng sản xuất). Phần diện tích còn lại chưa có thông tin cụ thể và chưa đồng nhất với diện tích nêu trong báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110Kv. Đồng thời, bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp công trình Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây nối 110Kv, tỷ lệ 1:2000 kèm hồ sơ dự án không thể hiện thời điểm lập bản đồ hiện trạng rừng.

Mới đây nhất, ngày 9-11, Công ty CP Đầu tư du lịch sinh thái Lilama 18 (Lilama 18) lại xin chuyển đổi đất rừng tự nhiên để làm khu nghỉ dưỡng. Cụ thể, đơn vị này xin chuyển đổi 0,1ha rừng tự nhiên tại phường Ninh Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hoá để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp. Sau khi nhận được văn bản của Lilama 18, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, UBND thị xã Nghi Sơn về việc giao tham mưu giải quyết đề nghị chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp tại phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn.

Một ngày ký 3 văn bản trả lời về chuyển đổi rừng

Chỉ trong ngày 16-11, Bộ NN&PTNT đã đồng thời có 3 văn bản trả lời các địa phương nói trên liên quan đến kiến nghị xin chuyển đổi rừng, rừng tự nhiên để làm kinh tế. Tại các văn bản này, Bộ NN&PTNT đồng thời khuyến cáo, tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Bộ NN&PTNT cho rằng, dù chưa có kết quả chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề: Có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên do chuyển mục đích sử dụng để thực hiện các dự án khu vực miền núi. Cụ thể, đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nơi có địa chất yếu, nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hoá tạo ra độ gắn kết rất thấp, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp. Do vậy, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương nên cẩn trọng trong việc chuyển đổi đất rừng.

Đối với dự án Nhà máy Điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110Kv của tỉnh Bình Thuận, Bộ NN&PTNT cho biết, tờ trình chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác. Riêng đối với tờ trình xin chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi của tỉnh Ninh Bình, Bộ NN&PTNT khẳng định không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng từng tự nhiên sang mục đích khác. Còn với Quảng Nam, Bộ NN&PTNT khuyến cáo nên cẩn trọng và đặc biệt, việc đánh giá tác động môi trường mà Quảng Nam đang thực hiện là vượt thẩm quyền, không phù hợp.

Vụ việc phá rừng xảy ra tại lô 20, khoảnh 2, tiểu khu 109 và lô 3, khoảnh 7, tiểu khu 108 nằm ở đầu nguồn thủy điện Hương Điền

Vụ việc phá rừng xảy ra tại lô 20, khoảnh 2, tiểu khu 109 và lô 3, khoảnh 7, tiểu khu 108 nằm ở đầu nguồn thủy điện Hương Điền

Đại biểu Quốc hội chất vấn về diện tích rừng tự nhiên tăng

Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin: Diện tích rừng của Việt Nam vào năm 1990 là 9 triệu ha với độ che phủ là 27%. Tới nay, diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về nội dung trên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H'Bơ Khăp cho rằng: “Bộ trưởng nói diện tích rừng từ lúc 9 triệu ha mà lên 14 triệu ha thì đúng là con số đáng phấn khởi. Nhưng điều này tôi thấy rất vô lý, có gì đó sai sai. Bởi ít nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi một kỳ họp chúng ta đã được nghe những dự án, công trình có chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ - đó là rừng tự nhiên, thì làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên được?”. Phản hồi ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi thời gian quá ngắn. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu hecta rừng của miền Trung. Do đó, bây giờ phục hồi phải từng bước, kể cả rừng tự nhiên cũng phải từng bước mới đạt hệ số che phủ theo kiến tạo như ngày xưa.