Không thể đánh giá phiến diện, sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ trong báo cáo đưa ra mới đây lại một lần nữa có những nhận định thiếu khách quan về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, dựa trên nhiều thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại nước ta.

Lặp lại nhận xét thành kiến, sai lệch

Trong Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 vừa công bố trung tuần tháng 5-2023, Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) dù ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo cũng như trích dẫn một số thông tin chính thống của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, song vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Những đánh giá phiến diện, sai lệch này dựa trên nhiều thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền lợi tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền lợi tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân

Điều nhận thấy ngay là trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ và USCRIF có khá nhiều nội dung cũ mòn, mang nặng tính thành kiến và sai lệch về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng như cho rằng luật pháp Việt Nam “sử dụng các điều khoản mơ hồ để hạn chế tự do tôn giáo”; “việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo đông người còn gặp nhiều khó khăn”… Nội dung báo cáo tiếp tục xoáy sâu vào những điểm dễ gây hiểu nhầm giữa quyền tự do tôn giáo và nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của các tín đồ tại Việt Nam khi sử dụng nhiều thông tin sai lệch do một số tổ chức, cá nhân phản động, chống đối, bất mãn cung cấp về việc “chính quyền đe dọa, sách nhiễu, bắt giữ nhiều chức sắc, tín đồ tôn giáo chưa đăng ký”.

Báo cáo thậm chí còn còn lập lờ viện dẫn việc xử lý các vụ đội lốt tôn giáo, lợi dụng giáo lý để trục lợi hoặc thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, chống phá Nhà nước, như vụ tòa án tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt 15 tín đồ người Mông theo tà đạo Dương Văn Mình (tháng 5-2022) hay vụ việc tại Tịnh thất Bồng Lai (tháng 7-2022)… để cho rằng chính quyền một số địa phương “tiếp tục sử dụng biện pháp bạo lực đối với thành viên các nhóm tôn giáo thiểu số”. Điều đáng tiếc là Bộ Ngoại giao Mỹ và USCIR vẫn dựa trên nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, xuyên tạc của các hội nhóm lưu vong phản động (như tổ chức “Ủy ban Cứu người vượt biển”) hay hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức như tà đạo Dương Văn Mình, Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ… để đưa ra những đánh giá phiến diện, quy kết Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”.

Dẫn ra những vụ việc vi phạm pháp luật bị xử lý theo pháp luật để dựa vào đó đưa ra đánh giá sai lệch, phiến diện về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, song Bộ Ngoại giao Mỹ và USCIRF lại lờ đi luật pháp quốc tế đã nêu rõ rằng, tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo đều phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Trong đó, Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”.

Không phải quốc gia nào khác mà chính nước Mỹ cũng xử lý những vụ việc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật. Ví như vụ việc cảnh sát Mỹ hồi năm 2012 đã bắt giữ 7 thành viên nhóm Hutaree tự xưng là “Chiến binh Thiên chúa giáo” vì có âm mưu chống lại chính quyền. Đây là một trong những trường hợp cho thấy ở Mỹ, cũng như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, mọi đối tượng lợi dụng quyền tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật.

Có thể thấy, với việc dựa vào những thông tin đã bị xuyên tạc, bóp méo, Bộ Ngoại giao Mỹ và USCIRF đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, không có cơ sở, sai lệch về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Lẽ ra họ cần trao đổi thẳng thắn và tiếp nhận những thông tin chính thống của các cơ quan Chính phủ Việt Nam để có những nhìn nhận khách quan, chính xác về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, tránh làm ảnh hưởng tới sự phát triển tích cực của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước hiện nay.

Thực tiễn sống động về tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam xuyên suốt từ khi thành lập năm 1945 tới nay luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 quy định: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người. Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18-11-2016. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế, hiện 95% số dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó hơn 26 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 27% dân số; gần 53.000 chức sắc, 134.000 chức việc, 28.000 cơ sở thờ tự. Đời sống sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam rất phong phú với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hàng năm. Ở Việt Nam có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương.

Không chỉ là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam còn là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống và đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với quan điểm nhất quán, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng vào phục vụ các tầng lớp nhân dân nên quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước bảo đảm như các dân tộc khác.

Với quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo như vậy, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo lớn được tổ chức trang trọng, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự.

Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của tôn giáo. Cả nước hiện có 63 cơ sở đào tạo tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo với gần 20 nghìn học viên đăng ký theo học các khóa đào tạo tôn giáo mỗi năm.

Những con số cùng thực tế sống động đã khiến không ai có thể bác bỏ thực tiễn sống động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Không ai có thể cố tình xuyên tạc, lập lờ đánh lận đưa ra những nhận xét phiến diện, sai lệch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.