Giải cứu hàng loạt doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh:

Không thể chậm trễ hơn

ANTĐ - Đánh giá về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương cho rằng: “Khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh còn cao và bất ổn, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2011 đã tác động đến giá thành sản phẩm bán ra của các nhà sản xuất hàng công nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp vì thế cũng gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, chi phí vận tải cao cũng làm giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm”.

Quan trọng nhất là cứu các doanh nghiệp bên bờ vực phá sản có khả năng phục hồi

Tháo nút thắt “tồn kho”

Trong khi đó, sức mua trong nước giảm, chỉ số tồn kho cao, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2012 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2011. “Mặc dù các doanh nghiệp bán lẻ đã dùng nhiều biện pháp khuyến mãi, giảm giá nhưng lượng hàng tiêu thụ vẫn chậm”, ông Vỵ cho biết.

Bộ Công Thương sẽ tập trung dồn sức tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển. Trước mắt sẽ thúc đẩy, tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ các sản phẩm: vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện… đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn.

Bộ Công Thương hiện đang khẩn trương tổng hợp tình hình tồn kho thực tế của các ngành, các sản phẩm và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, trong giải quyết sản phẩm tồn kho để đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành sớm có giải pháp hỗ trợ…

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tập trung cho công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, ưu tiên triển khai các chương trình trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các hội chợ, triển lãm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp… nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Vốn và vô vàn khó khăn khác

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp dài hạn như tái cơ cấu doanh nghiệp, ngành nghề, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án đã được xét tập trung vốn để hoàn thành sớm đưa vào hoạt động.

Cùng với đó Bộ cũng thực hiện ban hành danh mục thiết bị trong nước sản xuất được để đề nghị Chính phủ ban hành thuế suất hợp lý nhằm khuyến khích tiêu thụ sản phẩm trong nước. Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất cho vay doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản xuất cơ khí, hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và vận tải nhỏ...

Bà Phạm Việt Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, hiện nay việc tháo gỡ cần hướng tới tập trung vào giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đáng tiếc là vốn ưu đãi vẫn rơi vào các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn nằm ngoài hệ thống. Đây cũng là hiện trạng bức thiết cần khẩn trương xoay chuyển.