Không quản được chất lượng rau quả nhập khẩu

ANTĐ - Hàng năm, nước ta nhập khối lượng không nhỏ các loại rau quả tươi để cung ứng cho nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, quản lý chất lượng rất khó khi mà các trung tâm kiểm dịch thực vật chỉ đảm nhận được phần kiểm tra dịch hại, còn các chỉ tiêu về VSATTP chỉ bằng cảm tính.

Tràn lan rau quả nhập khẩu

Rau quả nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai gần như bị “thả nổi” về kiểm soát chất lượng

Trung Quốc hiện là nước cung cấp rau quả tươi chủ yếu cho thị trường Việt Nam. Mùa nào thức ấy, rau quả qua biên giới đổ về khắp các tỉnh, dù là miền núi hay thành thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Không khó để nhận ra, rau quả Trung Quốc, từ củ tỏi, nhánh gừng, miếng măng chua đến rau xanh, hoa quả. Lạ ở chỗ, dù tất cả các nông sản ấy trong nước cũng sản xuất được, thậm chí dư thừa, vào vụ phải bán giá rẻ, thậm chí đổ bỏ, nhưng rau quả Trung Quốc vẫn có đất sống, mà sống rất khỏe.

Bằng chứng, đêm nào cũng vậy, xe tải lớn nhỏ từ các tỉnh miền Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai… ầm ầm đổ về chợ đầu mối Long Biên, Lê  Đức Thọ (Hà Nội), hay chợ đầu mối Tam Bình, Hóc Môn…. (TP Hồ Chí Minh), rồi từ đây, rau quả lại được đưa đi phân phối khắp các tỉnh, thành. Một chủ bán hoa quả ở chợ Long Biên cho biết, đã ra đến chợ Long Biên thì đừng hỏi rau quả trong nước. Làm gì có ổi Hải Dương với táo lê trong nước, toàn hàng từ Trung Quốc vượt biên giới qua ngả Lạng Sơn, Lào Cai. Chợ Long Biên, một trong những chợ đầu mối nông sản lớn nhất Hà Nội, thậm chí của miền Bắc, từ lâu đã thành chợ tập kết rau quả Trung Quốc.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu rau củ quả từ đầu năm đến nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như trong 3 tháng đầu năm 2011, tổng trị giá các mặt hàng rau quả ngoại nhập chỉ vào khoảng 56,09 triệu USD, thì sang 3 tháng đầu năm nay con số này lên tới 71 triệu USD, tăng gần 26,6%. Đáng chú ý, lượng rau củ quả nguồn gốc Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều, chiếm hơn 50% tổng lượng rau quả từ các thị trường.

Ai quản lý chất lượng?

Chất lượng nông sản Trung Quốc luôn có vấn đề, cơ quan chức năng của nước này đã nhiều lần phát hiện, chất lượng một số loại nông sản bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cấm, độc hại. Dù, sau thông tin cải thảo vùng Sơn Đông (Trung Quốc) nhiễm formaldehyde, Cục BVTV đã lấy 74 mẫu cải các loại, trong đó 22 mẫu rau cải có nguồn gốc từ Trung Quốc để truy tìm chất độc hại này. Kết quả kiểm tra cho thấy, 10/74 mẫu phát hiện có dư lượng formaldehyde. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV thì đây là formaldehyde nội sinh, an toàn cho người sử dụng. Song, người tiêu dùng khó có thể yên tâm khi mà sự chủ động của cơ quan chức năng dường như là không có, phần lớn là bị động. Mọi thông tin về rau quả nhập khẩu nhiễm chất cấm đều từ nước sở tại phát hiện, rồi phương tiện truyền thông lên  tiếng, sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu kiểm tra. 

Tại bất kỳ cửa khẩu nào cũng đã có các trạm kiểm dịch thực vật. Theo Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 

1-7-2011 của Bộ NN&PTNT, các trạm kiểm dịch thực vật này vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, đồng thời đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra về VSATTP. Song, ông Hồng cũng thừa nhận, các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, sân bay hay bến cảng, đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc cũng như con người có thể phân tích các chỉ tiêu về VSATTP. “Việc kiểm tra VSATTP tại các cửa khẩu, sân bay hay bến cảng đối với rau quả vẫn dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, mới lấy mẫu gửi về 2 phòng phân tích đặt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để kiểm tra”, ông Hồng nói.

Trong khi đó, phải mất 7 ngày sau mới có kết quả phân tích, kiểm tra. Ông Hồng cho biết: “Vì thời gian để phân tích một mẫu rau, quả kéo dài, trong khi nông sản tươi không để lâu ở cửa khẩu, phải cho lô hàng lưu thông ngay sau đó. Nếu 7 ngày sau, kết quả kiểm tra phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, hoặc phát hiện chất cấm thì lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn”. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc nhập khẩu rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đã thông thoáng, qua lại dễ như đi chợ. Các thương lái sang Trung Quốc có thể chở bằng xe thồ, hoặc cũng có thể bằng ô tô, một ngày một thương lái có thể đi nhiều chuyến. Vậy, sẽ kiểm tra, kiểm soát VSATTP như thế nào?

Khâu yếu nhất trong chuỗi kiểm soát VSATTP nông sản hiện nay nằm ở khâu quản lý. Kiểm dịch nội địa yếu kém, không những về phương tiện mà con người. Kiểm dịch nội địa gần như không có hiệu quả, trong khi rau quả ngoại tràn lan, từ các chợ dân sinh đến các siêu thị, cửa hàng rau quả cao cấp. “Một xe tải rau quả từ Lào Cai về Hà Nội, từ đây xé lẻ cho các đầu mối buôn, rồi các đầu mối có thể đưa về các chợ Hà Nội hoặc vận chuyển về các tỉnh. Không ai có thể kiểm soát được hàng hóa đi đâu, về đâu, chất lượng ra sao”, một chuyên gia về BVTV nhận định. 

Thông tư 13 về kiểm soát VSATTP nông sản nhập khẩu đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, chính sách phải đi kèm thực tiễn, khi mà máy móc, thiết bị cũng như con người chưa thể đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát VSATTP rau quả nhập khẩu thì có lẽ người tiêu dùng vẫn còn phấp phỏng lo lắng về sức khỏe của mình.