Không nên tự ý dùng thuốc trị ho cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Ho là triệu chứng của bệnh đường hô hấp rất phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi hay giao mùa. Để điều trị ho phải điều trị nguyên nhân gây ho. Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ, dùng thuốc không đúng là những sai lầm mà các bậc làm cha mẹ cần tránh.

Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ khi bị ho, nhiều khả năng bệnh sẽ tiến triển nặng hơn

Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ khi bị ho, nhiều khả năng bệnh sẽ tiến triển nặng hơn

Khi nào cho trẻ dùng thuốc ho?

Nhiều cha mẹ cứ thấy trẻ ho là ra hiệu thuốc mua thuốc giảm ho mà không biết ho là một phản ứng của cơ thể để tống các chất kích thích, chất nhầy tiết nhiều ra khỏi các ống dẫn khí. Đây là một cơ chế để bảo vệ tốt bộ máy hô hấp nên trong nhiều trường hợp, không nên tìm cách ngăn cản triệu chứng ho. Đặc biệt, không dùng thuốc giảm ho trong các bệnh như viêm phế quản cấp, hen phế quản, viêm phổi... Trong những trường hợp này ho để tống đờm dãi ra ngoài cơ thể, làm sạch đường thở.

Việc cho trẻ uống thuốc giảm ho sẽ gây ứ đọng các chất đờm dãi, dịch... ở đường hô hấp, gây cản trở sự hô hấp và gây ứ khí phế nang, làm giảm khả năng chống lại vi trùng, làm cho bệnh nặng hơn. Đối với trường hợp ho có nhiều đờm dãi ở trẻ, điều quan trọng là phải làm sạch đường thở cho trẻ bằng các biện pháp không dùng thuốc như giúp trẻ xì mũi, hút đờm đúng cách...

Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp trẻ ho khan, ho do kích ứng, dị ứng. Khi trẻ ho khan nhiều quá, bị mất sức vì ho ban đêm thì mới cho uống thuốc ho để làm dịu cơn ho. Tuy nhiên cũng có khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng thuốc trị ho chứa thuốc kháng histamin vì đối với trẻ quá nhỏ thuốc có thể gây kích động, co giật. Khi thấy trẻ ho và đã cho trẻ dùng thuốc sirô chống dị ứng 2, 3 ngày mà không thấy đỡ thì nên đưa trẻ đi khám. Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ, hoặc dùng lại đơn thuốc cũ đều là những sai lầm cần tránh.

Dùng kháng sinh khi nào?

Chỉ cho trẻ dùng kháng sinh do đã xác định được ho lúc này là triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc xác định có bội nhiễm. Đặc biệt lưu ý, những thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm corticoid đều phải do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý mua cho trẻ dùng.

Một số cha mẹ cho con uống thuốc kháng sinh để cải thiện tình trạng trẻ em bị ho, điều này là hoàn toàn không nên nếu như chưa xác định được nguyên nhân ho. Trong trường hợp ho do cảm virus thì thuốc sẽ không đem lại hiệu quả, thay vào đó trẻ có nguy cơ bị nhờn thuốc. Nhiều loại thuốc giảm ho còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ.

Chăm sóc trẻ bị ho

Đối với trẻ bị ho, cần chú ý giữ ấm cho bé, tránh gió lạnh, tránh cảm cúm, cảm lạnh. Cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm để bổ sung nước cho cơ thể. Trong thời gian này, bạn cũng nên hạn chế tắm cho bé quá lâu, tốt nhất là lau rửa người cho con mỗi ngày bằng nước ấm. Đây là cách để tăng độ ẩm cho da, con sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.

Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi bé thường xuyên để đề phòng trường hợp trẻ ho nhiều, có biểu hiện khó thở, thở nhanh thì cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Ngoài ra cần bổ sung nhiều nước và điện giải cho bé.

Việc tắm nước ấm cũng có thể làm giảm cơn ho của trẻ. Hơi nước ấm, nóng sẽ giúp đường hô hấp của trẻ được thư giãn. Cha mẹ cần ngồi cùng bé khi tắm hơi và tránh để trẻ bị bỏng. Với trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ có thể dùng nước chanh ấm pha mật ong để giảm cơn ho của trẻ. Tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi vì hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển đầy đủ, khi dùng mật ong có thể khiến trẻ bị ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Về chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần hạn chế cho bé ăn những thực phẩm không tốt cho bệnh ho như: bạc hà, chocolate, đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các chất kích thích, đồ uống có ga...

Khi trẻ em bị ho, cha mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước muối ít nhất 2 lần mỗi ngày để vệ sinh họng sạch sẽ. Việc này chỉ áp dụng cho những bé từ 3 - 4 tuổi, đã biết súc miệng như vậy tránh được hiện tượng con nuốt nước súc miệng vào trong.