Không lỡ nhịp mùa Xuân

(ANTĐ) - Đất Thăng Long là xứ phồn hoa đô hội xưa, sành ăn, sành mặc và sành chơi. Có lẽ thế mà cứ Tết đến, dù còn bao khó khăn, dù còn nhiều bộn bề phải chắt chiu, lo toan, người Hà Nội vẫn dành những khoảng tĩnh lặng để ngắm đào, chơi quất, rồi đắn đo dành ra khoản tiền để mua những thế, những cành đào, chậu quất ưng ý nhất về đặt tại nơi trang trọng trong ngôi nhà ấm cúng, rộn rã mùa Xuân của mình.

Không lỡ nhịp mùa Xuân

(ANTĐ) - Đất Thăng Long là xứ phồn hoa đô hội xưa, sành ăn, sành mặc và sành chơi. Có lẽ thế mà cứ Tết đến, dù còn bao khó khăn, dù còn nhiều bộn bề phải chắt chiu, lo toan, người Hà Nội vẫn dành những khoảng tĩnh lặng để ngắm đào, chơi quất, rồi đắn đo dành ra khoản tiền để mua những thế, những cành đào, chậu quất ưng ý nhất về đặt tại nơi trang trọng trong ngôi nhà ấm cúng, rộn rã mùa Xuân của mình.

Đào, quất được mùa?

Đã thành lệ, những ngày rét ngọt thế này, chúng tôi lại lượn một vòng lên Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La xem đào, sang Quảng Bá, Nghi Tàm ngắm quất... Anh Khoa, một người bán đào Nhật Tân vồn vã kéo chúng tôi vào khu bày toàn đào thế trước cổng khu đô thị Ciputra: “Các chú xem đi, đào năm nay thế đẹp hơn, dăm nhiều hơn và chắc chắn nếu thời tiết không quá lạnh như năm ngoái, đúng 30, mùng Một, hoa và lộc sẽ nở rộ”.

Nhìn những chồi xanh chi chít, nụ tròn căng mọng, chúng tôi hơi bất ngờ khi đào Nhật Tân vẫn giữ được sắc sau trận mưa úng tháng 11-2008. Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, khoảng 90ha trồng đào, quất trên địa bàn quận bị úng ngập nhưng rất may, do vườn đào được chuyển ra ngoài bãi sông Hồng có địa thế cao hơn nên tỷ lệ cây chết chỉ 5-7%.

Anh Chung, một người trồng đào trên đường Nguyễn Hoàng Tôn cho biết: Người dân Nhật Tân vẫn trồng đào trên ruộng nhà mình quanh khu đô thị hiện đại. Đợt mưa vừa qua, do kinh nghiệm lâu năm, đa số các hộ đều cố gắng đánh gốc lên chậu những cây quý có “niên đại” hàng chục năm; những gốc 2-5 năm thì đắp đất, xẻ rãnh thoát nước tránh để đào thối rễ.

Bà Trần Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhật Tân ghi nhận: Cũng may bà con cứu đào rất tốt, đắp đất khô, rải tro bếp, phân kích thích bón xuống cho đào phát triển nhanh bộ rễ nên 32ha trồng đào ngoài bãi đã lên nụ, hoa. Nếu thời tiết ấm hơn, đến 90% người dân Tây Hồ sẽ có vụ đào đẹp.

Vườn đào đang ra hoa ở Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội
Vườn đào đang ra hoa ở Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội

Với kinh nghiệm chăm giống 30 năm, ông Vũ Văn Việt ở Phú Thượng cũng tin tưởng, những vườn đào thế ở Nhật Tân, Phú Thượng, do “chột” hoa có thể tàn nhanh hơn song thế, dáng hơn hẳn mọi năm; hoa, nụ thắm, mọng hơn, và người dân Nhật Tân, Phú Thượng sẽ có một mùa vụ thắng lợi.

Tuy nhiên theo anh Khoa bán đào khuyên chúng tôi rằng, đào nhiều đấy nhưng nên mua sớm để tránh cận Tết, đào khan hàng, lên giá: “Đa số nhà vườn đã có rất nhiều người đến đặt, có nhà chẳng cần bày bán nữa. Vườn nhà cháu hơn 400 gốc mà riêng đào gửi và đặt trước đã chiếm 3/4.

Còn 100 gốc, đào có tuổi trên 10 năm, thuê thôi cũng không dưới 10 triệu đồng; đào thế đẹp, chín tầng, tuổi 2-3 năm, giá 4,5 triệu đồng, thuê 3 triệu đồng; những gốc nhỏ hơn dáng bằng những chậu mai cảnh, giá đồng loạt 1-2 triệu đồng”. Anh Khoa cũng khẳng định, đây là giá... đào hạt, còn đào bích thường phải tăng thêm từ 30-40%, vì hoa đào năm nay chưa nở, chưa biết có đẹp hơn không và phải đợi đến 23 Tết, sẽ “chốt” giá. 

Tại vùng quất Tứ Liên, Quảng Bá, Nghi Tàm... dù có bị ngập úng nhưng do sức bền của quất và sự phụ thuộc vào thiên nhiên ít, những vườn quất nơi đây đã chi chít quả và dày lộc. Ông Phan Hữu Hùng, một người trồng quất ở Tứ Liên kể: Năm nay, do giá cây giống cao và nhất là đợt cứu quất tháng 11, thuê nhân công đắp đất, xử lý chống nghẹt rễ, chống sương muối, rồi diệt nhện đỏ, nấm trắng, phun thuốc kích thích sinh trưởng... chi phí đầu tư cho cây lên cao.

Bên cạnh đó, nhiều vườn quất đẹp của một số hộ bên Quảng Bá còn bị kẻ xấu bứt hoa làm chột cả trăm gốc, nên lượng quất năm nay có kém chút ít. Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Liên nói thêm: Cứ ngỡ sau trận mưa úng, quất Hà Nội sẽ lỡ nhịp mùa Xuân song thật vui, cả vùng Quảng Bá, Tứ Liên, quất đã phục hồi, số lượng quất bị chết không đáng kể.

Cơ mà như ông Hùng ở phường Tứ Liên tâm sự, năm nay giá sẽ cao hơn so với năm trước khoảng 30%. Một cây quất 5 tầng, dáng đẹp, phù hợp với không gian cơ quan, công sở, khách sạn giá 3-3,5 triệu đồng; gốc nhỏ đặt trên bàn giá tận vườn cũng lên 150.000-300.000 đồng. Rồi tình hình kinh tế khó khăn vậy, không biết người dân Hà Nội có “mặn mà” với đào, quất nữa không...  Giá đào, quất tăng lên, có thể người dân sẽ có những lựa chọn khác...

Quất Văn Giang, Hưng Yên không... mất mùa
Quất Văn Giang, Hưng Yên không... mất mùa

Chuyện ở vùng ven

Nói vậy thôi chứ đã thành nét văn hóa, dù giá rét hay mưa phùn, người Hà Nội vẫn cứ thích đến đắm chìm trong sắc thắm hoa đào, ánh vàng cam nhuộm màu nắng của quất, để tận hưởng một mùa xuân nồng ấm, tràn căng tốt lành. Vì thế, như chị Dinh trồng hoa, cây cảnh ở Xuân Canh, Đông Anh, đào năm nay có xấu một chút, hoa ít hơn song mấy hôm nữa, chị sẽ dùng các biện pháp KHKT kích thích, để đúng 25 Tết, đào sẽ trổ mầm và lên dăm, quất sẽ cho ra quả nhanh và đều.

Tất nhiên giá đào, quất ở đây thì bình dân, đào giá khoảng 200.000-500.000 đồng/gốc đẹp, quất chừng 100.000-200.000 đồng/chậu to. ở xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, những ruộng đào chạy dọc Quốc lộ 2 cũ cũng nở đầy hoa.

Ông Vũ, một người trồng đào ở đây cho biết: “Đợt mưa vừa qua có ảnh hưởng nhưng đào vẫn sinh trưởng tốt. Điều quan trọng nhất với chúng tôi bây giờ là tưới tiêu nước đầy đủ vì cánh đồng đang rất khô”.

Cũng theo ông Vũ, chi phí đầu tư tăng nên dù đào năm nay có xấu hơn mọi năm, giá vẫn sẽ tăng thêm khoảng 20%, chừng 100.000 đồng/cành đẹp. Giá đó có thể chấp nhận được vì thị trường cũng đã thay đổi. Do vậy, nếu chăm tốt, hàng nghìn cành đào ở đây sẽ nở rộ khắp phố phường Hà Nội đúng dịp Tết.

Còn ở vùng quất Văn Giang, Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên, những vườn trồng quất đã trĩu đầy quả. Anh Khái, một người trồng quất ở thị trấn Văn Giang nói: Các anh nhìn suốt dọc con đường kia, quất chết vứt đầy, chẳng buồn đun bếp; nhiều hộ mất cả trăm triệu đồng vì trận mưa lớn. Cũng may nhờ kinh nghiệm, vườn nhà tôi chỉ có chục cây úa lá, còn đều kịp vụ.

Ông Nguyễn Quốc Chương, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Văn Giang cho biết, 131ha quất, quýt cảnh của 5 xã, thị trấn bị ngập sâu trong nước. Nhiều hộ ở Liên Nghĩa do lúng túng không biết cách xử lý, nhiều mẫu quất, quýt, bưởi cảnh gần như mất trắng, thiệt hại từ 30-60%. Song không vì thế mà các nhà vườn không đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường...

Ông Hà Văn Hùng một chủ vườn ở Khoái Châu không giấu giếm: Hơn nửa số hộ gia đình trong xã... thoát nạn nhưng chi phí để chăm cây tăng rất cao. Bên cạnh đó, kỹ thuật đã chuyên nghiệp nên quất, quýt, bưởi năm nay dáng đẹp hơn, quả dày, mọng hơn... Đây cũng là lý do để các chủ vườn nâng giá.

Nếu năm ngoái, một chậu quất bán buôn 50.000 đồng, thì năm nay khoảng 200.000 đồng, chậu cây lớn cao 2m, giá khoảng 3-4 triệu đồng; những chậu quýt, bưởi đẹp cũng gần chục triệu đồng. Chủ vườn Phương Bắc ở Văn Giang tâm sự: Khó khăn là thế, mất mát là thế nhưng những người trồng đào, quất vẫn có những cách riêng của mình. Họ chẳng chịu ngồi bó tay đợi... thất bát đâu.

Một số nhà có vốn mạnh, ngay sau khi nước rút, cứu được bao nhiêu, nếu thấy không đủ, họ sẵn sàng về Bắc Giang, Lạng Sơn, ra cả Quảng Ninh tìm mua cây, nên thị trường quất cho Hà Nội ngày Tết không đáng ngại, giá đến sát Tết có thể sẽ chững ở mức tăng 10% so với Tết Mậu Tý.

Các dòng đào cũng được dân buôn “găm” khá sớm và dự định sau 23 Tết sẽ chuyển đào rừng từ Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh về. Theo dự đoán, đào sẽ được tiêu thụ mạnh hơn mọi năm vì các vùng trồng hoa quanh Hà Nội mất mùa, giá sẽ dao động tăng khoảng 15-20%, không quá cao so với khả năng của người dân Hà Nội.   

Để có hàng vạn, chục vạn cây đào, quất trong thời khắc thiêng liêng đón Tết cổ truyền dân tộc, những người dân trồng đào, quất đã đổ mồ hôi, nước mắt suốt một năm trời. Rồi thiên tai, giá cả... Nhưng có lẽ trong họ không mất đi niềm tin vào cuộc sống, vào sự phát triển tươi đẹp của đất nước.

Hà Nội đã và đang rực rỡ trong sắc màu của lễ hội hoa. Chục hôm nữa, Hà Nội lại rộn ràng trong hương quyến rũ của hoa Xuân... Cảm ơn những người trồng đào, quất hai sương một nắng đã mang đến những chậu cây cảnh ẩn chứa bao điều tốt lành, may mắn... Năm nay, đào, quất Hà Nội, sẽ không lỡ nhịp mùa Xuân...

Bảo Lâm - Trường Giang