Thi THPT quốc gia:

Không lo "mất điểm" khi chấm thi bằng máy

ANTD.VN - Với hơn 300 cán bộ, giáo viên các trường THPT trên địa bàn tham gia chấm thi THPT quốc gia, Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành điểm thi vào ngày 6-7 tới. 

Hà Nội huy động 300 giáo viên tham gia chấm thi môn tự luận duy nhất

Công tác chấm thi THPT quốc gia của gần 860.000 thí sinh trên cả nước đang được triển khai gấp rút bởi chỉ có thời gian 10 ngày để hoàn thành chấm thi, ghép phách, cập nhật lên hệ thống để thí sinh sử dụng kết quả này tham gia xét tuyển đại học 2017.

Môn Ngữ văn được chấm tay

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, với số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước (gần 73.000 thí sinh), riêng với môn Ngữ văn, công tác chấm thi sẽ được giao cho 300 giáo viên THPT thực hiện. Song song với chấm thi tự luận, tổ chấm trắc nghiệm của Hà Nội cũng bắt đầu công việc dưới sự giám sát của Thanh tra Sở GD-ĐT, Thanh tra các trường ĐH, Bộ GD-ĐT. Dự kiến, công tác chấm thi sẽ hoàn thành vào ngày 6-7. Dù lượng bài thi lớn nhưng Sở đã chủ động bố trí giáo viên tham gia chấm thi nên thời hạn trên là khả thi.  

Khi phát hiện những câu thí sinh tô chì mờ, máy tính sẽ báo lỗi và cán bộ chấm thi, giám sát chấm thi sẽ điều chỉnh bằng tay để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Sau khi có kết quả, nếu thí sinh cảm thấy điểm thi lệch quá nhiều so với dự đoán của mình có thể làm đơn phúc khảo.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đối với môn Ngữ văn, trước khi chấm, sẽ tổ chức cho cán bộ nắm vững hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm. Các hội đồng sẽ chấm chung ít nhất 10 bài thi để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm, sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm 2 vòng độc lập tại 2 phòng chấm riêng biệt. Bài thi Ngữ văn sẽ được chấm theo hướng dẫn, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT, riêng thang điểm là 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.

Các năm trước, việc chấm thi do các trường đại học chủ động và mời giáo viên phổ thông của Hà Nội phối hợp. Năm nay, công việc do Sở GD-ĐT chủ trì. Theo quy chế, cán bộ chấm thi tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của Ban chấm thi khi vào ra khu vực chấm thi. Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm của môn Ngữ văn.

Chưa hết băn khoăn

Năm nay, do thi trắc nghiệm nên thời gian chấm sẽ rút ngắn hơn so với mọi năm. Việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ được thực hiện trên máy chấm cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp. Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm sẽ chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi. 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trước khi các hội đồng thi bước vào chấm sẽ phải quét toàn bộ bài của thí sinh (dữ liệu thô) gửi về Bộ GD-ĐT. Dữ liệu này được coi là dữ liệu gốc, được lưu tại Bộ GD-ĐT và sẽ không thể thay đổi được. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, để đảm bảo kết quả chấm khách quan, công bằng, bên cạnh việc thanh tra Bộ cắm chốt, các hội đồng thi cũng phải tuân thủ đúng quy định chặt chẽ về chấm thi đã được quy định trong quy chế.

Trước những băn khoăn về trường hợp máy móc có thể gặp trục trặc kỹ thuật, không nhận biết được những câu thí sinh tô chì mờ gây thiệt thòi cho thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, khi phát hiện những lỗi như vậy, máy tính sẽ báo lỗi và cán bộ chấm thi, giám sát chấm thi sẽ điều chỉnh bằng tay để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Sau khi có kết quả, nếu thí sinh cảm thấy điểm thi lệch quá nhiều so với dự đoán của mình có thể làm đơn phúc khảo.

Theo quy định của Bộ, chậm nhất ngày 7-7, các Sở GD-ĐT trên cả nước sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2017. Từ ngày 8-7 đến 17-7 là thời gian dành cho thí sinh nộp đơn phúc khảo. Thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi ban đầu và không hạn chế số môn phúc khảo.