TRỪNG TRỊ CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẠM TỘI ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG TẠI XÃ ĐỒNG TÂM, HUYỆN MỸ ĐỨC, TP HÀ NỘI (BÀI 3):

Không khoan nhượng trước tội ác và phải bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án; số đối tượng liên quan đông; có cả sự xuất hiện của không ít thông tin cố tình hướng lái dư luận, đổi trắng thay đen… Đó là những yếu tố càng khiến Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan tố tụng của thành phố hết sức nghiêm cẩn trong quá trình điều tra, truy tố, đảm bảo đúng quy trình, quy định tố tụng.
Số vũ khí của các đối tượng chống đối ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) bị cơ quan Công an thu giữ

Số vũ khí của các đối tượng chống đối ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) bị cơ quan Công an thu giữ

Các bị can đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội

Trong số 29 bị can bị đưa ra xét xử hôm nay (7-9), có 4 đối tượng bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”; tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 330 - Bộ luật Hình sự. Có 25 bị can bị truy tố về tội “Giết người”.

Đáng chú ý, căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phân loại 25 bị can bị truy tố về tội “Giết người” thành 3 nhóm đối tượng.

Thứ nhất: nhóm chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội (5 đối tượng), gồm Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức.

Thứ hai là nhóm tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội (9 đối tượng), gồm: Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Uy, Bùi Văn Tiến, Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quang và Bùi Văn Tuấn.

Thứ ba là nhóm giúp sức (11 đối tượng), gồm: Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét; Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Bùi Văn Niên; Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung.

Đánh giá về diễn biến vụ án, cơ quan tố tụng khẳng định: Việc trấn áp các đối tượng có hành vi phạm tội quả tang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng trấn áp là biện pháp duy nhất và cấp thiết để ngăn chặn kịp thời các hành vi đặc biệt nghiêm trọng, manh động, quá khích của các đối tượng, thực hiện theo đúng quy định của Luật số 14/2017/QH14 ngày 20-6-2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (trong đó có quy định về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự).

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết: sau khi xảy ra vụ án, Cơ quan CSĐT CATP đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, chính quyền địa phương cùng các đơn vị có liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, các loại vũ khí, hung khí, chất cháy, chất nổ và các dấu vết của tội phạm; tổ chức khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân tử vong của Lê Đình Kình.

Cơ quan CSĐT đã cấp Thông báo đăng ký người bào chữa cho 32 luật sư bào chữa (gồm 14 luật sư do người nhà các bị can thuê và 18 luật sư do Cơ quan CSĐT CATP chỉ định). Quá trình tiến hành các hoạt động điều tra đều có sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Trong các buổi hỏi cung bị can đều có Kiểm sát viên tham gia, có sự chứng kiến của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị can đảm bảo đúng người, đúng tội, khách quan, toàn diện, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm theo đúng quy định của pháp luật. Các bị can đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và của các bị can khác trong vụ án, đặc biệt là vai trò chủ mưu cầm đầu của Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến.

Hôm nay (7-9), Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh (Trong ảnh: Bộ đội cùng người dân vận chuyển vật liệu xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, tháng 12-2019)

Hôm nay (7-9), Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh (Trong ảnh: Bộ đội cùng người dân vận chuyển vật liệu xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, tháng 12-2019)

Vụ án tại xã Đồng Tâm thể hiện rõ tính chất phạm tội có tổ chức

Đó là quan điểm của luật sư Đặng Văn Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Theo luật sư Đặng Văn Sơn, vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm được Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử là vụ án về an ninh trật tự xã hội mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án trước hết thể hiện ở chỗ hành vi của các đối tượng đã khiến 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh; gây mất trật tự trị an; gây hoang mang, lo lắng đối với nhân dân và gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Tiếp đến, vụ án có tới 29 người bị xử lý về hình sự, trong đó 25 người bị đưa ra truy tố, xét xử về tội “Giết người”, theo quy định tại khoản 1, Điều 123 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Căn cứ vào kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố thì 25/29 bị can trong vụ án này bị truy tố về tội “Giết người” gắn với 4 tình tiết định khung quy định tại khoản 1, Điều 123. Và hành vi phạm tội chỉ cần thuộc một trong các điểm từ a đến q của khoản 1 thì mức án các bị cáo sẽ phải gánh chịu, thấp nhất là 12 năm tù và cao nhất lên đến tử hình.

Về phạm tội có tổ chức, theo quy định tại khoản 2, Điều 17 - Bộ luật Hình sự năm 2015: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức”.

Như vậy, phạm tội có tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội khi có từ 2 người trở lên và cùng hướng tới mục đích là mong muốn cho hậu quả xảy ra từ hành vi nguy hiểm của mình. Về bản chất, tội phạm có tổ chức là hành vi phạm tội có tính đồng phạm nhưng có sự cấu kết chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện tội phạm.

Ở đó, có người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy; có người thì chuẩn bị về công cụ, phương thức, thủ đoạn phạm tội; có người trực tiếp thực hành tội phạm và có người đóng vai trò xúi giục, giúp sức, cổ vũ về mặt tinh thần…

Cũng theo kết luận điều tra và cáo trạng truy tố, quá trình thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng của 3 cán bộ, chiến sĩ công an, mỗi bị can, bị cáo trong vụ án Đồng Tâm không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội của riêng mình mà còn biết và mong muốn sự cùng tham gia của những người khác.

Điều đó được thể hiện ở 2 phương diện. Thứ nhất, về mặt lý trí, mỗi bị can trong vụ án đều nhận thức được tính chất nguy hiểm đối với hành vi của mình, nhận thức được tính chất nguy hiểm của những đồng phạm khác và thấy trước được việc gây ra hậu quả chung của chuỗi hành vi đó; Thứ hai, về mặt ý chí, các bị can trong vụ án đều có sẵn ý đồ cố tình thực hiện hành vi giết người, chung mong muốn cho hậu quả chết người xảy ra. Và thực tế, sau hàng loạt hành vi nguy hiểm của các đối tượng gây ra thì 3 cán bộ, chiến sĩ công an thực thi công vụ đã hy sinh.