Chợ phiên đồ cũ chính thức họp lần đầu tại Bảo tàng Hà Nội vào sáng 3/11/2013. Phiên chợ diễn ra từ 9 giờ đến 16 giờ 30 Chủ nhật hàng tuần, từ đó đến nay đã trở thành điểm du lịch thú vị cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan Hà Nội.
Phiên chợ đầu tiên chỉ có khoảng 40 gian hàng. Tính đến nay thì chợ có tất cả 64 gian. Mỗi gian rộng khoảng 9m2. Đa số các gian hàng đến từ Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá. Đây là những địa phương có lượng lớn người tham gia chơi đồ cổ. Các gian hàng trong chợ phiên được thiết kế theo không gian mở, như hình thức chợ quê thường thấy ở Đồng bằng Bắc bộ.

64 gian hàng trong khuôn viên chợ, bao gồm nhiều mặt hàng là đồ vật đã qua sử dụng thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, đồ giả cổ và đồ thủ công mỹ nghệ như lụa, sơn mài, đồ chế tác từ sừng, gốm sứ...

Bên cạnh đó chợ phiên còn bán các loại đồ dùng cũ, đồ cổ, đồ xưa từ bát sành, lọ hoa, quạt máy, vô tuyến, đèn dầu, đồng hồ, điện thoại để bàn, bàn là, mâm đồng, kính mắt...

...đến các loại tiền mệnh giá cũ của Việt Nam, các loại sách, tranh ảnh cũ hay cặp lồng cơm, bát nhôm...

Đa phần các cổ vật tại chợ phiên có tuổi trên một trăm năm. Đây là các món đồ được giới chơi đồ cổ thu thập, tìm kiếm từ nhiều nơi nên có nhiều nguồn gốc khá đa dạng. Các món đồ ở đây có giá từ vài chục nghìn (các phong thư, bưu thiếp) cho đến vài chục triệu đồng (những chiếc bát cổ thời Trần).

Những gian hàng trong chợ hầu hết không bán theo loại cố định. Mà chủ yếu là người bán sưu tầm được cổ vật gì thì bán cổ vật đó. Người mua có thể thoải mái ngắm nghía, lựa chọn để tìm cho mình một món đồ ưng ý.
Nhiều món đồ tại chợ phiên gợi lại cho khách hàng, người xem những xúc cảm quen thuộc. Đó có thể là những vật dụng, kỉ vật chiến tranh từng gắn với họ một thời như đèn dầu, tẩu thuốc cho đến bi đông đựng nước, mũ tai bèo, xe đạp, mũ cối, đầu đạn, thắt lưng quân phục...

Tiền cổ, huân chương,... là một trong nhiều mặt hàng thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Nhiều người tới chợ phiên hàng tuần chỉ để ôn lại những kỷ niệm xưa cũ hoặc chiêm ngưỡng, đánh giá những cổ vật mới sưu tầm được.

Chợ phiên đã trở thành một diễn đàn lớn về đồ cổ, thu hút đông đảo người chơi tới đây để thảo luận, đánh giá, nhận xét chất lượng của nhiều món đồ quý.

Khách đến với chợ phiên phần nhiều là nam giới. Độ tuổi thường gặp là trung niên. Cũng nhiều bạn trẻ đến đây thăm quan hoặc tìm mua cho mình những món đồ lưu niệm đáng nhớ.

Những người bán hàng ở chợ phiên luôn sẵn sàng chia sẻ nhiều câu chuyện hay về các món cổ vật. Tuy thế không phải ai trong số họ cũng nắm hết được nguồn gốc, xuất xứ của các món đồ mình đang bày bán. Khi đó, nhiều khách hàng sưu tầm cổ vật lại trở thành nguồn thông tin quý giá, đáng học hỏi.

Trong khuôn khổ chợ viên, ban tổ chức còn bố trí chương trình ca nhạc dân tộc phục vụ du khách trong lúc thăm quan, mua sắm và nghỉ ngơi.

Khách tham quan đến chợ phiên còn có dịp thưởng lãm nghệ thuật bonsai, qua nhiều cây cảnh trưng bày tại khuôn viên sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.

Năm Giáp Ngọ đang tới, các mặt hàng gắn với ngựa trở nên có sức hút với người mua.


Con ngựa là biểu tượng cho một năm kinh doanh phát đạt. Đồng thời nó còn là biểu tượng cho sự trung thành, tận tuỵ; biểu tượng cho tài lộc, thành công; sự kiêu hãnh; tự do và thanh khiết.