Không khéo lại lãng phí nguồn nhân lực

ANTD.VN - Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025. 

Mục tiêu của đề án là đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng - Trung cấp chưa tìm được việc có nhu cầu đi làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức ở một số ngành nghề được phê duyệt như kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, điều dưỡng, hộ lý...

Phải nói rằng, đây là một đề án có nhiều ý nghĩa bởi nếu đạt được mục tiêu đề ra thì  không chỉ giải quyết được một phần lớn lao động thất nghiệp có trình độ,  mà còn sẽ góp phần thu hút ngoại tệ cho đất nước. Hơn nữa, khi những lao động này trở về nước sẽ trở thành lực lượng lao động chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, chuyện xuất khẩu lao động có trình độ và được đào tạo này vẫn khiến không ít người hoài nghi. Sự hoài nghi này bắt nguồn từ chính trình độ và ý thức của người lao động. Trước hết có thể nhận thấy rằng, nhiều sinh viên mới ra trường rất chật vật để tìm việc, bởi họ thiếu những kỹ năng cơ bản, thiếu những thứ mà doanh nghiệp cần, đơn cử như kỹ năng làm việc nhóm hay ngoại ngữ. 

Trong khi đó, để làm việc như những lao động có trình độ cao ở nước ngoài chắc chắn trình độ ngoại ngữ không thể làng nhàng đủ giao tiếp như những công việc phổ thông. Đây lại là vấn đề của công tác đào tạo, liệu có thể có những đột biến trong công tác đào tạo trong vòng vài năm như vậy hay không?. Chính các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng thừa nhận, lao động của ta được đưa đi làm việc ở nước ngoài nhưng có ít việc vì trình độ ngoại ngữ kém. 

Mặt khác, với những công việc đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư điện tử… thì liệu những lao động được đưa sang có đủ trình độ chuyên môn để đáp ứng hay không? Dù “gạn đục, khơi trong” nhưng sau khi tuyển thì việc đầu tiên mà doanh nghiệp phải làm chính là đào tạo lại. Vậy các doanh nghiệp nước ngoài có sẵn sàng bỏ công đào tạo lại như vậy hay không, nhất là khi quyền quyết định, quyền lựa chọn nằm trong tay họ và họ lại có rất nhiều lựa chọn bởi đây là những thị trường xuất khẩu lao động có tính cạnh tranh cao. 

Nếu những lao động được đào tạo chuyên môn này sang nước ngoài làm việc mà chỉ được sắp xếp những công việc chân tay, những công việc dành cho lao động phổ thông thì phải khẳng định rằng đây sẽ là một sự lãng phí. Trước hết là lãng phí trong khoản ngân sách 1.300 tỷ đồng dự kiến cần để đưa các lao động này sang các nước làm việc. Với những công việc này thì thu nhập chắc chắn cũng thấp hơn nhiều lần, nguồn ngoại tệ gửi về cũng khó đạt như mong muốn. Nhưng lãng phí hơn nữa chính là nguồn lực xã hội, số tiền bỏ ra để đào tạo một cử nhân, một thạc sỹ là không nhỏ, nếu cuối cùng họ chấp nhận làm việc như một lao động phổ thông! 

Như vậy, quan trọng nhất vẫn là khâu định hướng nghề nghiệp, tiếp sau đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ khi có nguồn nhân lực thực sự có chất lượng tốt thì mới có thể giảm bớt số lao động trình độ cao nhưng “chưa tìm được việc làm” như hiện nay. Với riêng đề án này, trước hết cần xác định lại số lượng, ngành nghề và trình độ của các lao động chưa tìm được việc làm. Tiếp nữa là thiết kế những chương trình đào tạo phù hợp theo yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động.