- Bác cứ đùa. Đây là một tỉnh nghèo, làm gì có tiền mà xài sang như thế?
- Theo đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm dạy nghề Hương Khê đặt tại xã Hương Bình với quy mô 600 học sinh nhưng năm vừa rồi chỉ thu hút được 49 người. Phòng thực hành, ký túc xá bỏ không. Nhiều phòng học khang trang biến thành nơi nuôi nhốt bò.
- Đấy đâu phải lỗi nhà trường, do người học không mặn mà nên dẫn đến tình trạng trên đấy chứ?
- Thực ra trước đó ở huyện này đã có Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề Hương Khê. Từ khi Trung tâm mới ra đời thì 2 trường trên cũng bỏ hoang.
- Sao lãng phí thế nhỉ. Lý do nào khiến học sinh không thiết tha với trường mới?
- Trường đặt tại khu vực hẻo lánh, đi lại vất vả. Các môn học lại không thiết thực với đời sống hàng ngày. Nơi đây không có
internet nên không vận hành máy móc, thiết bị được, gây khó khăn cho cả người dạy lẫn người học.
- Tôi tưởng khi xây dựng đề án người ta phải tính được hết các tình huống rồi chứ?
- Nếu được như bác nói thì đã không có sự lãng phí diễn ra khắp nơi như hiện nay. Tôi tin là, không chỉ ở Hương Khê, nhiều nơi khác cũng có tình trạng tương tự. Nhà nước cần ra tay chấn chỉnh không để tiền thuế của dân sử dụng lãng phí, bừa bãi, dù chỉ một đồng.