Không doanh nghiệp nào "giải cứu" củ cải vì khó tiêu thụ

ANTD.VN -Sáng 16-3, huyện Mê Linh đã họp khẩn với các sở ngành liên quan và một số doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Hà Nội để tìm cách “giải cứu” tình trạng củ cải của nông dân Tráng Việt, Mê Linh đổ bỏ trắng đồng.

Các sở ngành như NN&PTNT, Công Thương... cùng một số nhà bán lẻ lớn trên địa bàn Hà Nội như Big C, Fivimart, Biggreen, Tâm Thành, Halomom... cùng dự  hội nghị.

Cần giải cứu gấp 1.000 tấn củ cải

Theo ông Vũ Văn Kỳ-Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, Tráng Việt, toàn xã có 304 ha sản xuất rau tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao khoảng 200 ha, trong đó có 80 ha sản xuất củ cải.

Diện tích củ cải được thu hoạch hiện nay là 20ha, sản lượng 1.120-1.500 tấn, đang bị ứ đọng nên cần tiêu thụ gấp trong 10-15 ngày tới.

Ngoài ra, tại ruộng vẫn còn khoảng 20 ha đang trồng củ cải ở giai đoạn cây non, 20 ha củ cải đang ra hoa nhưng bị nhổ bỏ (trong đó có 70% diện tích thương lái đã thu mua), gây thiệt hại từ 1,5- 2 tỷ đồng.

Về việc tiêu thụ, đến 95% sản lượng rau, củ của HTX Đông Cao phải tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối, tỉ lệ vào bếp ăn tập thể chỉ chiếm 3-5%. Đặc biệt, nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá.

Nông dân Tráng Việt, Mê Linh đang cần giải cứu gấp 1.000 tấn củ cải

Tại cuộc họp sáng 16-3, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) thông tin,  siêu thị thu mua các mặt hàng rau, củ quả ở thôn Đông Cao từ 5 năm nay, riêng củ cải tiêu thụ mức độ ít.

Theo bà Hậu, thông tin giữa HTX với doanh nghiệp chưa được rõ ràng, sản lượng nhiều, hàng hóa ứ đọng nhưng doanh nghiệp không biết thông tin này. 

“Ngoài chợ, giá củ cải bán 3.000 đồng/kg, nếu siêu thị bán 8.000 đồng/kg (giá mua là 6.000 đồng/kg nên rất khó tiêu thụ với sản lượng nhiều”, bà Hậu cho hay.

Theo đó, đại diện chuỗi siêu thị Fivimart bày tỏ, các đơn vị nên hỗ trợ HTX Đông Cao tiền vận chuyển, bán cho siêu thị với giá như tại đồng ruộng để siêu thị bán bằng giá ở chợ thì mới mong tăng sản lượng tiêu thụ.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc siêu thị Big C Garden cho biết, trong tuần tới, Big C có thể tiêu thụ giúp 10-15 tấn củ cải, còn về lâu dài thì phải ký kết hợp đồng. 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, trước mắt, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt trên hệ thống phân phối của thành phố để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn cho người dân trong thời gian tới. Đồng thời mong muốn các siêu thị nên bố trí các điểm bán hàng ngoài sảnh.

Ngoài ra, Sở sẽ làm văn bản gửi đến các cơ quan đoàn thể để giúp nông dân bán với giá ổn định, tiêu thụ toàn bộ số lượng đang còn ứ đọng.

Theo bà Lan, về lâu dài, muốn sản xuất bền vững phải nắm vững cung- cầu thị trường, định hướng sản xuất cho phù hợp. Nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới sản xuất các mặt hàng an toàn, có kênh tiêu thụ bền vững không nên chỉ mang ra chợ.

Như vậy, sau cuộc họp để giải cứu củ cải sáng 16-3 vẫn chưa có phương án khả thi, các doanh nghiệp bán lẻ đều "lắc đầu" vì cho biết khó tiêu thụ.

Rau củ ế thừa chỉ xảy ra cục bộ!

Trao đổi vào sáng 16-3, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết, theo thống kê từ các địa phương có nhiều vùng rau chuyên canh thì diện tích rau cuối vụ đông và lứa đầu vụ xuân hiện nay nhiều nhất ở Hà Nội còn 1.150 ha, Hải Dương còn hơn 100 ha, các tỉnh khác còn 10 - 15 ha.

Ông Sơn khẳng định lượng tồn này đang ở mức thấp và tình trạng sản lượng ế thừa nghiêm trọng, phải chặt bỏ không xảy ra trên diện rộng mà xảy ra cục bộ ở Hà Nội và Hải Dương, với 2 loại rau là củ cải trắng và su hào.

Nông dân Tứ Kỳ, Hải Dương nhỏ bỏ su hào vì giá rẻ, không bán được

Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, thời tiết thuận lợi, củ cải phát triển nhanh, cây cải bị trổ hoa sớm nên bên trong bị xốp, bẻ ra dễ dàng, không bán được; cộng với thị trường đang giảm giá và đã có nhiều loại khác thay thế cho củ cải. Tại xã Tráng Việt, có tình trạng nông dân phải nhổ bỏ củ cải trên diện tích khoảng 10 ha trồng loại củ này.

Su hào bị nhổ bỏ ở Hải Dương cũng có tình trạng như củ cải, thời điểm thu hoạch trùng với thu hoạch vét rau khác và có một số rau vụ xuân, dẫn tới bán chậm. Bên cạnh đó, nông dân chần chừ chờ giá cao, su hào bị già không bán được. Phần lớn diện tích su hào bị nhổ bỏ là quá lứa, bị xơ xốp hết bên trong.

Bên cạnh đó qua khảo sát tại Hải Dương chiều 15-3, giá su sào giá bắt đầu tăng trở lại, từ 1.000 - 1.200 đồng/củ.

Theo tính toán của nông dân Hải Dương, 1 sào su hào trừ chi phí thuốc, phân, giống hết khoảng 1 triệu đồng, nếu trồng 2.000 cây, giá bán 1.000 - 1.500 đồng/củ, thì vẫn có lãi. Dự báo, trong 7 - 10 ngày tới, giá su hào, củ cải sẽ ổn định trở lại.