Không đổ lỗi cho hoàn cảnh

ANTD.VN - Trong một gia đình nọ có ba người con trai, cuộc sống của gia đình họ rất khó khăn, cha mẹ quanh năm làm thuê làm mướn, khốn khó sinh ra cáu bẳn, chán nản. 

Ba người con trai thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, nói những lời không hay. Người cha sau khi hết việc, tối nào cũng uống rượu và về nhà trong tình trạng say mèm, có ngày còn chơi cờ bạc hết sạch số tiền ít ỏi kiếm được trong ngày và còn nợ nần. Người mẹ càu nhàu và thế là họ cự cãi, mắng nhiếc nhau, người cha lao vào đánh người mẹ. Việc này càng ngày càng tiếp diễn với mật độ dày đặc hơn, ba  anh em trai lúc nào cũng co rúm người ôm lấy nhau vì sợ hãi trong góc nhà. Mỗi khi người cha lao vào đánh mẹ và người mẹ gào khóc, mình đầy thương tích, hình ảnh đó hằn sâu trong ký ức của ba anh em.

Thời gian trôi qua, ba anh em trai lớn lên, họ cũng như cha mẹ mình, không được học hành đến nơi đến chốn nên cũng đều làm lao động chân tay để kiếm sống và rồi họ cũng có gia đình riêng của mình. Người anh cả lấy một cô vợ cũng có hoàn cảnh nghèo khó như mình. Người vợ của anh cả từ nhỏ sống trong gia đình với người mẹ kế cũng chịu nhiều khổ sở. Họ bảo nhau làm lụng chăm chỉ, chắt bóp, đặc biệt khác với cha mẹ mình, vợ chồng người anh cả rất thương yêu nhau, người anh cả chưa bao giờ to tiếng với vợ, anh còn chăm sóc vợ con rất chu đáo nữa.

Người anh thứ hai bỏ làng đi làm ăn xa nơi đất khách quê người, anh cứ sống lầm lụi một mình cùng với một con chó làm bầu bạn. Mặc dù có rất nhiều cô gái để ý tới nhưng anh không kết bạn với ai cả và cũng không lập gia đình. Người em út giống cha mình nhất, làm được bao nhiêu là tiêu hết cho rượu chè, cờ bạc, làm tan nát gia đình, mỗi lần say rượu về là người em út lại quậy phá, đập tan nát đồ đạc, đánh vợ, chửi con khiến cho vợ con của người này bao phen khổ cực.

Người anh cả khi được hỏi về chuyện của cha mẹ mình ngày trước, anh nói: “Từ khi bắt đầu hiểu chuyện, tôi thấy cha mẹ mình thật đáng thương, tôi thương mẹ và tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ trở thành một người chồng như cha tôi, để vợ phải khổ và con cái phải khiếp sợ mình như vậy”. Người anh thứ hai thì trả lời: “Nhìn cuộc sống của cha mẹ tôi và chúng tôi, tôi thấy vô cùng chán nản và sợ  cuộc sống gia đình, tôi còn thấy nó quá vô nghĩa nên tôi đã tự nhủ mình sẽ không bao giờ lập gia đình để không vướng vào cuộc sống kinh khủng ấy”. Còn người em út ngang tàng đáp: “Tôi chẳng nghĩ gì, đơn giản, phụ nữ thì phải làm việc để nuôi gia đình và không được cằn nhằn, cãi chồng kể cả khi chồng làm sai, và nếu cãi chồng và cằn nhằn thì đương nhiên là phải bị đánh…”.

Cùng một hoàn cảnh ra đời, cùng một cha mẹ, cùng một hoàn cảnh sống nhưng cuộc sống của ba anh em ruột cho ra ba kết quả khác nhau. Việc này cho chúng ta thấy một điều  rằng: Hoàn cảnh chỉ là một yếu tố ảnh hưởng chứ không quyết định cách sống của chúng ta. Điều quyết định chính là nhận thức đúng đắn của mỗi người về hoàn cảnh sống, về đạo lý, về nhân sinh quan để biết phải sống ra sao, sống như thế nào cho phải.