Không đỗ đại học trả lại tiền !?
(ANTĐ) - Không chỉ lo trước kỳ thi mà ngay khi thi xong, nếu cảm thấy không tin tưởng vào kết quả thi của con em mình, các bậc phụ huynh mới bắt đầu “bập” vào chiêu “chạy điểm” của “cò” với lời hứa không đỗ sẽ được trả lại toàn bộ tiền…
Phụ huynh thí sinh cần cảnh giác trước những chiêu lừa “hợp pháp” (Ảnh minh họa) |
Mùa thi - mùa “cò” làm tổ
Khi thời điểm kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 chỉ còn tính bằng ngày cũng là lúc T.K.Ch - một “cò điểm thi” - tất bật hơn bao giờ hết. Đã nhiều năm nay, cứ mỗi dịp thí sinh nhấp nhổm trước “trận đánh lớn” thì cũng là lúc T.K.Ch tích cực làm ăn với những… “hư chiêu”.
Dường như “vòi bạch tuộc” của Ch có sức mạnh rất lớn nên anh ta không từ chối bất cứ trường hợp nào. Dù là ĐH, CĐ hay TCCN, rồi các hình thức đào tạo chính quy, tại chức, liên thông… bao nhiêu gia đình sỹ tử có nguyện vọng tìm đến Ch, anh ta đều gật. Tùy theo mức độ “hot” của trường và tính chất đào tạo để Ch ra một mức giá nhất định. Để tạo sự tin cậy, Ch còn tiếp khách tại nhà riêng; không những thế, Ch còn viết cả giấy biên nhận cho đối tác cùng những giao kèo chắc như đinh đóng cột: Không đỗ sẽ trả lại tiền. Ch còn tìm hiểu thông tin về những nhân vật quan trọng ở các trường mà “con em đối tác” đầu đơn để… “nổ” cho sướng miệng - kiểu “mọi năm thầy A vẫn chấm bài đó thôi”, “thầy B chấm, khả năng dò được đúng bài thi là rất cao”, rồi dặn dò cách đánh dấu bài, mẫu chữ của thí sinh.
Chị L (TP Vinh - Nghệ An) đã “làm ăn” với Ch suốt mấy năm nay và đang được Ch liệt vào hàng “khách Vip”. Năm nào chị L cũng có vài ba đứa cháu ở quê lên trọ học, không bên nội thì bên ngoại, hoặc con xa cháu gần; cuộc sống đã thay đổi khá nhanh nên mức giá vài chục triệu đồng thì nhiều gia đình chấp nhận “nghiến răng” hậu thuẫn cho “quý tử”. Cầm cả trăm triệu đồng mà phụ huynh thí sinh gửi gắm, chị không một chút băn khoăn khi giao cho Ch và yên tâm chờ kết quả. Khi các trường ĐH-CĐ thông báo kết quả chính thức, “cháu” nào không đỗ thì Ch giao lại cho chị số tiền đúng như “hợp đồng” ban đầu, chỉ trừ đi một ít tiền gọi là “phí giao dịch” hay tiền “bia bọt”...
Chính vì cách “làm việc có uy tín” như thế nên mùa thi nào Ch cũng bận rộn và nườm nượp khách hàng. Thậm chí, chị L còn sẵn sàng đứng ra làm “đầu nậu” cho bạn bè, đồng nghiệp làm đầu mối cho Ch. Tính sơ sơ, mỗi năm, chị dẫn cho Ch gần chục “mối làm ăn”.
Đâu là mánh của “cò”?
Theo tiết lộ của Ch, anh ta thu tiền “đặt cọc” từ rất sớm, thậm chí trước khi thí sinh bước vào ngày thi hàng mấy tháng trời - khoảng thời gian này, chính là “con gà đẻ trứng vàng” giúp Ch duy trì và ổn định nghề làm “cò” hết năm này qua năm khác mà chưa một lần nào “thất tín” với đối tác.
Với số tiền thu được từ phía khách, Ch đem thẳng ra ngân hàng để… gửi tiết kiệm ngắn hạn hoặc cho vay “nóng” ở những nơi có thể tin cậy được. Tuy nhiên, cách kiếm tiền bằng… lãi ngân hàng, lãi “ngoài quốc doanh” chỉ là khoản cố định và không thực sự giúp Ch “thăng hoa” trong nghề. Với tập số báo danh, phiếu báo thi (bản sao) mà phụ huynh học sinh gửi để Ch “liên hệ và giúp đỡ”, anh ta “canh me” 24/24h thông tin các trường học mà thí sinh đầu đơn qua Internet. Càng gần ngày báo điểm thì Ch càng làm việc căng thẳng. Sau khi có điểm số chính thức từ các trường, Ch chỉ việc lần theo số báo danh tìm điểm số thí sinh rồi… “toạ hưởng kỳ thành”. Nếu thí sinh thi đỗ, số tiền người nhà gửi đương nhiên Ch được hưởng; còn với đa số các trường hợp thi rớt, Ch đi rút tiền ngân hàng để hoàn trả lại khổ chủ cùng với lời hứa hẹn “sang năm sẽ chắc chắn đỗ”.
“Trong số hàng chục thí sinh nhờ tôi “chạy trường” mỗi năm, thế nào chả có thí sinh có khả năng đỗ, nhưng họ vẫn giao tiền để… yên tâm hơn. Chỉ cần vài trường hợp đỗ là tôi sống khỏe!” - trong “men say chiến thắng”, Ch đã hứng khởi tiết lộ “mánh” làm ăn. Cũng theo Ch, nếu gia đình chờ thí sinh thi xong mới giao tiền cho anh ta vào đầu tháng 7 hàng năm, khi vừa kết thúc thi Đại học thì thời gian anh hoàn lại - có văn bản hẳn hoi - là tháng 9, tháng 10, hết một kỳ hạn cho vay 2-3 tháng; trường hợp người nhà thí sinh đưa tiền trước vài tháng, anh ta sẽ trả ngay khi có kết quả.
Phi vụ mà Ch “trúng” nhất là mùa thi năm 2007, số tiền “ôm” cả tỷ đồng chỉ sau vài tháng thí sinh “chờ điểm” đã sinh lãi cho Ch hàng chục triệu đồng. Chưa kể đến 4 trường hợp thí sinh thi đỗ bằng năng lực, Ch đã nhét túi hơn trăm triệu đồng, mà theo lời Ch thì số tiền này “hoàn toàn hợp pháp”.
Độc chiêu của Ch có lẽ không thực sự mới lạ nhưng vẫn có “lực hút rất lớn” bởi lời hứa “không đỗ trả lại tiền” chính là “giấy chứng nhận vàng” để các gia đình yên tâm khi đặt tiền cọc, vì “mình có mất gì đâu”. Và khi con em các gia đình… lỡ trượt, họ cũng coi việc thu hồi lại được chỉ 80-90% số tiền đã đưa là… may mắn (may còn thu hồi, “gỡ gạc” được phần lớn ngân khoản). Có lẽ, cách tốt nhất để tránh gặp rắc rối với những tay “cò” trong kỳ thi quan trọng của cuộc đời đối với các thí sinh vẫn là học và… học!
Thanh Hà - Mạnh Hà