Không để "sự đã rồi" trong quy hoạch đô thị

ANTD.VN - Khu đô thị cao tầng mọc lên san sát, dân số tăng chóng mặt, đường phố tắc nghẽn, chất lượng sống đi xuống… được xem là những hệ quả từ việc điều chỉnh quy hoạch. Có những khu đô thị ban đầu được quy hoạch tốt, thậm chí là kiểu mẫu nhưng qua nhiều lần điều chỉnh thì trở nên quá tải, bị băm nát. Nhiều câu chuyện trớ trêu tưởng chừng hết sức phi lý đã xảy ra trên thực tế.

Một trong những vấn đề nổi cộm là việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng dẫn tới quy mô dân số tăng vọt. Cứ nơi nào tải được là “chồng” tầng lên, có thể trước đây 20 tầng nhà đầu tư thấy không lãi lắm “xin” lên 30 tầng, sau đó vẫn không thấy lãi lắm lại “chạy” để “nâng” lên 40 tầng. Sau điều chỉnh, số tầng nâng lên gấp đôi, gấp ba. Sự điều chỉnh một cách tùy tiện, vô lối này là sự điều chỉnh có hại cho đô thị nhưng lạ lùng thay là vẫn mặc nhiên diễn ra. 

Không chỉ xin điều chỉnh quy hoạch trước khi thực hiện, một số dự án còn dùng chiêu “đặt cơ quan chức năng vào sự đã rồi”, chủ đầu tư cố tình vi phạm, xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch sau đó mới đề nghị được hợp pháp hóa thông qua việc xin điều chỉnh. Lẽ ra trong những trường hợp này, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý phải quyết liệt buộc các chủ đầu tư khắc phục sai phạm nhưng không hiểu vì đâu những “sự đã rồi” vẫn mặc nhiên tồn tại.

Vấn đề này một lần nữa được nghiêm túc nhìn nhận tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì với Bộ Xây dựng, qua đó nhằm chấn chỉnh việc thực hiện quy hoạch. Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thủ tướng nhận xét rằng, một số nơi chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, thậm chí điều chỉnh luôn cơ quan quản lý địa phương, dồn nén dân cư vào khu đô thị cũ, phá vỡ quy hoạch ban đầu”.

Ý kiến từ nhiều phía tại buổi làm việc này cũng thẳng thắn cho rằng, do thiếu giám sát nên vì lợi ích của doanh nghiệp, vì cái lợi ngắn hạn trước mắt như nguồn thu ngân sách nên địa phương sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch. Đáng nói hơn là các quy định của Luật Quy hoạch chưa đủ sức ngăn chặn tiêu cực. Tình trạng trên được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khái quát trong câu nói giàu hình ảnh là: “Đại gia nhảy vào thì công viên thành khu dân cư ngay”.

Điều này cũng được người đứng đầu Bộ Xây dựng - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận: “Phương thức điều chỉnh quy hoạch có thể không sai nhưng cách làm chưa đúng. Vì khi xây dựng quy hoạch thì theo quy trình chặt chẽ, với nhiều bên tham gia, thẩm định kỹ nhưng đến khi điều chỉnh thì có khi chỉ một ít người làm thôi và không loại trừ biểu hiện lợi ích nhóm, áp lực từ nhà đầu tư ở thời điểm nào đó”.

Trước những vấn đề đó, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng nêu quan điểm và yêu cầu, không để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh quy hoạch. Theo Thủ tướng, điều chỉnh có lợi thì phải điều chỉnh, nhưng không để lợi dụng luồn lách, cắt xén.

Với tinh thần chỉ đạo sát sao, nghiêm túc này, người dân có quyền hy vọng về việc những sai phạm, những điều chỉnh quy hoạch vô lối bị xử lý nghiêm”.