- Hà Nội công khai 500 doanh nghiệp nợ bảo hiểm 436 tỷ đồng
- Hà Nội: Hơn 330.000 người lao động bị đe dọa quyền lợi do doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9, tổng số nợ BHXH đã lên tới hơn 13.000 tỉ đồng. Tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn đóng và chậm đóng BHXH nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng chưa có ý thức về việc đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm.
Theo quy định của Luật BHXH hiện hành thì Công đoàn được giao nhiệm vụ khởi khiện các doanh nghiệp trốn đóng, chây ì BHXH, nhưng cho đến nay vẫn chưa có vụ kiện đòi BHXH nào được giải quyết.

Nợ đọng BHXH đã lên tới hơn 13 nghìn tỷ đồng
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng cho rằng, quy định yêu cầu công đoàn cơ sở đứng lên khởi kiện hoặc người lao động ủy quyền cho công đoàn cơ sở khởi kiện là không hợp lý. Theo quy định, người lao động có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp nhưng phải có giấy ủy quyền và công chứng. Như vậy, với doanh nghiệp có hàng nghìn người lao động thì việc thu thập đủ các loại giấy tờ này là điều không thể.
Không chỉ khó khăn trong việc ủy quyền, thực tế hiện nay ở nhiều nơi có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình vì sợ mất việc làm.
Cùng với đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội trốn đóng BHXH cho người lao động, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng, phạt tù tới 7 năm. Nhưng hiện bộ luật này chưa được thi hành nên chưa tạo được sự “răn đe” hiệu quả đối với những chủ sử dụng lao động đang trốn đóng, nợ đọng BHXH.