Không dễ đạt mục tiêu 30 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

ANTD.VN - Nhiều phương án như tăng tuổi nghỉ hưu, điểu chỉnh tỷ lệ tích lũy… nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được Bộ LĐ-TB&XH cân nhắc.

Không dễ đạt mục tiêu 30 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 1Theo đề xuất, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ tăng từ 60 lên 62 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế chỉ ra, có 5 phương án khác nhau để có thể điều chỉnh, mở rộng diện bao phủ BHXH. Trong đó, có những phương án như tăng tuổi nghỉ hưu, kết hợp tăng tuổi nghỉ hưu với điều chỉnh mức độ tích lũy, cải tiến các tham số khác... 

Khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước có khoảng 13 triệu người tham gia BHXH và khoảng 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có 50% những người tham gia lực lượng lao động tham gia BHXH. Tại thời điểm đó, lực lượng lao động dự báo là 60 triệu người, chính vì vậy nếu đặt mục tiêu là 50% tham gia BHXH sẽ tương đương 30 triệu người. “Cho dù là bắt buộc hay tự nguyện thì để đạt tới 30 triệu người từ mức 13 triệu hiện nay là một khoảng cách lớn”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, BHXH là một trong những trụ cột chính giúp đảm bảo an sinh xã hội, chính vì vậy mở rộng đối tượng tham gia BHXH là yêu cầu hết sức cấp thiết. Có nhiều phương án khác nhau để có thể điều chỉnh, mở rộng diện bao phủ BHXH. Tuy nhiên, vẫn phải bàn nhiều để lựa chọn một phương án phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, Việt Nam hiện có khoảng 60% lực lượng lao động ở khu vực phi kết cấu, khu vực không có quan hệ lao động (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và lao động tự do - nơi người lao động không có hợp đồng lao động). Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng vẫn chưa được xây dựng và ban hành đầy đủ. Các chính sách để hỗ trợ người lao động khi hết thời gian hợp đồng lao động, tham gia BHXH bắt buộc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa có. 

Vì vậy, để có thể đạt được mục tiêu 30 triệu người tham gia BHXH vào năm 2020, các chính sách khuyến khích người lao động trong khu vực phi kết cấu, những người không có quan hệ lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện, khuyến khích những người có thể linh hoạt chuyển từ BHXH bắt buộc khi họ không còn hợp đồng lao động sang BHXH tự nguyện sẽ được thiết kế cụ thể hơn. 

30 năm đóng chỉ đủ trả lương 10 năm 

Tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những phương án được đưa ra xem xét nhằm mở rộng diện bao phủ BHXH, đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều luồng ý kiến quanh đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho lao động nam từ 60 lên 62 và nữ từ 55 lên 58 (hoặc 60) của Bộ LĐ-TB&XH. 

Lý giải nguyên nhân phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay: “Việc đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm đảm bảo tính cân đối, ổn định, bền vững của quỹ BHXH. Mức đóng của chúng ta cao nhưng mức hưởng của chúng ta cũng rất cao. Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng chúng ta đang rất “hào phóng” cho mức hưởng”.

“Với mức đóng hiện nay, một tháng là 22% tiền lương, 30 năm đóng thì bằng 66 tháng tiền lương, hưởng 75% thì đủ trả cho 88 tháng, cho dù anh có đầu tư, tăng trưởng gì đó thì cũng không quá 120 tháng, như vậy tính ra tương đương với 10 năm. Các chuyên gia cũng tính toán trung bình tuổi thọ của người lao động sau khi nghỉ hưu là 21 năm, như vậy tiền lương hưu đóng vào chỉ đủ cho 10 năm, còn 11 năm nữa ai sẽ chịu?”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích. 

Mặc dù vậy, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng chỉ giải quyết được một phần câu chuyện và cần phải đồng bộ nhiều giải pháp khác như giảm thiểu trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm, nỗ lực tăng lợi tức đầu tư… 

Không dễ đạt mục tiêu 30 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 2