Không dám tố cáo vì sợ trả thù

ANTĐ - Người tố giác tội phạm, người làm chứng… thường đứng trước nhiều mối đe dọa, trong khi những quy định của pháp luật để bảo vệ nhân thân của những đối tượng này vẫn còn nhiều hạn chế, chung chung khiến nhiều người không dám nói ra sự thật…

Khó công bằng cho người tố cáo

Thực tế hiện nay cho thấy, do cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn thiếu và yếu nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạn đấu tranh công khai, trực diện với những đối tượng vi phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Công Phú, cán bộ hưu trí phường Đức Giang, quận Long Biên: “Trong các vụ án, vai trò của người cung cấp thông tin, tố giác tội phạm là rất quan trọng. Ngay trong vụ án bắt cóc cháu bé mới 2 ngày tuổi xảy ra tại bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa qua, vai trò của người lái xe taxi trong việc tìm ra cháu bé là không thể phủ nhận. Đáng buồn là hiện nay, người tố cáo tố giác tội phạm thường khá dè dặt khi cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng do yếu thế hơn người bị tố cáo, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước. Cán bộ công chức tố cáo lãnh đạo của mình nhiều khi sẽ gặp bất lợi. Người có vị trí sẽ lợi dụng địa vị, khả năng kinh tế để trả thù, trù dập người tố cáo: nhẹ thì phân công những công việc không phù hợp, nặng có thể buộc thôi việc... Chính bởi lẽ đó tố cáo nặc danh luôn có số lượng nhiều hơn những tố cáo có đề tên, địa chỉ cụ thể trong hoàn cảnh khi pháp luật chưa có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ người tố cáo. Do vậy, muốn bảo vệ người tố cáo trước hết là phải xử lý thông tin nhanh chóng kịp thời, triệt để. Nếu không, người bị tố cáo sẽ có các ưu thế, điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo”.

Trên thực tế đã không ít lần, nhiều bạn đọc gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ phản ánh những bức xúc của họ trước một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị họ gửi đơn thư khiếu nại hay cung cấp những thông tin cần thiết thì họ từ chối vì “sợ” bị trả thù. Điều này, đã gây khó khăn không nhỏ trong vấn đề điều tra, xác minh thông tin của phóng viên…

Quy định còn nhiều bất cập

Theo Luật sư Võ Đình Hải, Đoàn luật sư Hà Nội, trong nhiều vụ án hình sự, người tố giác, người làm chứng, người bị hại tỏ ra e ngại, bất hợp tác hoặc hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Nguyên nhân không chỉ do chính bản thân họ mà còn do sự bất cập của các quy định pháp luật.

Ở nước ta, những nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân đã từng bước được pháp luật ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự, BLTTHS năm 2003 (“Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác”, “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”, “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000, Nghị định số 99/2002/NĐ-CP ngày 27-11-2002 của Chính phủ và Thông tư số 09/2004/TT-BCA(V19) ngày 16-6-2004 hướng dẫn áp dụng một số biện pháp bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án về ma tuý của Bộ Công an… Tuy vậy, trừ lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và lĩnh vực phòng, chống ma túy, còn lại hầu hết các quy định chỉ mới dừng lại ở nguyên tắc, thiếu hướng dẫn cụ thể, nhất là các biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục, lực lượng tiến hành bảo vệ, kinh phí để bảo vệ.

Luật sư Hải cũng cho rằng, mặc dù chưa có thống kê chính thức về tình hình đe doạ, xâm hại đối với người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự, nhưng thực tế cho thấy việc họ bị mua chuộc, đe doạ, khống chế, gây thiệt hại là có thật. Điều này đã khiến người dân hoang mang, lo sợ, không dám tố giác. Mặt khác, từ khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực đến nay, những quy định về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự chưa được hướng dẫn chi tiết và được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm phải bảo vệ những người này, nhưng do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, thủ tục, biện pháp và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực nên còn lúng túng trong việc quyết định và triển khai các biện pháp bảo vệ. Trong khi đó, người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không biết quyền được bảo vệ của mình và cũng do không tin tưởng vào cơ quan tố tụng nên thường thoái thác nghĩa vụ pháp lý nên không nhiệt tình hợp tác. Mặt khác, hiện cũng chưa có cơ quan, đơn vị chức năng nào chủ động trong việc bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Do đó, việc sớm xây dựng một chế định pháp lý hoàn chỉnh về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại là việc làm cần thiết cần được tiến hành trong thời gian sớm nhất, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.