Không có động lực để ngân hàng "lách" trần lãi suất cho vay

ANTĐ - Mặc dù đã có trần lãi suất cho vay nhưng vẫn có ý kiến lo ngại ngân hàng lách trần. Ông Trần Xuân Quảng - Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
 

PV: Với quy định mức trần lãi suất 15% cho 4 lĩnh vực, ông có thể cho biết các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu nào để có thể vay vốn với mức lãi suất ưu đãi này?

Ông Trần Xuân Quảng: Chúng tôi đã chính thức áp dụng chính sách để triển khai thông tư của NHNN, theo đó các doanh nghiệp thuộc 4 nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên mà đạt 1 số tiêu chí chúng mà tôi định nghĩa: lành mạnh, minh bạch sẽ được áp dụng lãi suất 15%.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong 12 tháng vừa qua không có nợ xấu tín dụng. Thứ 2 là doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán. Thứ 3, chúng tôi vẫn có hệ thống đánh giá thương hiệu nội bộ, thường xuyên áp dụng. Chúng tôi áp dụng cho nhóm khách hàng: A, 2A, 3A. Chúng tôi công khai tiêu chí này rất rõ ràng và tương đối đơn giản để các doanh nghiệp tiếp cận và tự so chiếu với tiêu chí đó.

PV: Nếu chiếu theo các tiêu chí trên, theo ông liệu có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với mức lãi suất 15%?

Ông Trần Xuân Quảng: Chúng tôi đang tính khoảng độ từ 8-10% khách hàng doanh nghiệp sẽ đáp ứng được tiêu chí đó.  Các doanh nghiệp đảm bảo đủ tiêu chí thì sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất như vậy.

Đối với các doanh nghiệp đã đạt được rồi nhưng chưa chú trọng kiểm toán chẳng hạn thì phía doanh nghiệp cũng sẽ có động thái làm kiểm toán để đạt được tiêu chuẩn chúng tôi đưa ra. Điều này sẽ làm cho thông tin kinh tế có xu hướng minh bạch hơn, tốt hơn. Ngoài ra, từ những doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất này có thể tạo sự lan tỏa. Vòng quay của vốn do đó cũng sẽ thuận lợi hơn.

PV: Một trong những tiêu chí để tiếp cận vốn là doanh nghiệp phải không có nợ xấu tại các ngân hàng. Đây có phải là rào cản tương đối lớn đối với các doanh nghiệp?

Ông Trần Xuân Quảng: Chúng tôi cũng đã suy nghĩ rất kỹ về yếu tố này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cân nhắc đến việc NHNN vừa ra quy chế cho phép việc gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ và được phân lại nợ theo tổ chức tín dụng mà không phải chuyển nợ sang các nhóm khác.

Các doanh nghiệp có tình hình tài chính tương đối tốt thì phần lớn sẽ được ngân hàng sử dụng phương pháp cơ cấu nợ, giãn nợ. Như vậy, doanh nghiệp đó vẫn đảm bảo được các tiêu chí mà chúng tôi đưa ra.

PV: Chênh lệch lãi suất đầu ra đầu vào 3% có gây khó khăn cho ngân hàng hay không? Liệu các ngân hàng có tìm cách lách trần?

Ông Trần Xuân Quảng: Tôi cho rằng, mức chênh lệch giữa lãi suất đầu ra và đầu vào như vậy sẽ không quá khó khăn. NHNN đã chỉ thị rõ các ngân hàng thương mại đưa ra chính sách định nghĩa doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch để áp dụng mức lãi suất 15%, do đó không có động lực để lách trần vì tôi thấy nhóm khách hàng đó lành mạnh và phù hợp tiêu chí cho vay của chúng tôi.

PV: Ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay, NHNN còn quyết định nới thời gian cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ nếu có nguồn trả nợ đến hết tháng 12 năm nay. Theo ông quyết định này sẽ có tác động như thế nào?

Ông Trần Xuân Quảng: Tôi cho rằng quyết định này sẽ có tác động và tác động ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, giống như là sự lựa chọn về chi phí vốn. Thực tế vay ngoại tệ lãi suất thấp hơn trong khi tỉ giá tương đối ổn định. Như vậy là chi phí vốn hợp lý cho các doanh nghiệp

Thứ hai, các doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa của mình, hoặc sử dụng tiền đồng để mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước, vì như vậy lựa chọn tài chính tạo ra nhiều lựa chọn giúp hoạt động kinh doanh thương mại được thuận lợi hơn.

PV:Xin cám ơn ông!