“Không bỏ ai lại phía sau”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong những năm qua, Công an tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực giúp đỡ những người một thời lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Đằng sau cánh cửa trại giam, mỗi phạm nhân có một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Ngày nhận quyết định chấp hành xong án phạt tù, bên cạnh niềm vui mừng, hạnh phúc vỡ òa vì sắp được đoàn tụ với gia đình, tận sâu trong thâm tâm mỗi người vẫn luôn canh cánh nỗi mặc cảm, tự ti, lo lắng khi phải đối mặt với ánh mắt dị nghị, dò xét của không ít người trong cộng đồng.

Thấu hiểu tâm lý đó, trong những năm qua, Công an tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực giúp đỡ những người một thời lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Ngập ngừng lối về

Bà Nguyễn Thị Huế, sinh năm 1970, trú tại thôn Bình Ca, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bị kết án 8 năm 6 tháng tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tháng 1-2021, người phụ nữ ấy được trở về trong vòng tay yêu thương, bao dung của gia đình.

Cán bộ Công an xã Thái Bình cùng đại diện đoàn thể địa phương động viên, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Huế.

Cán bộ Công an xã Thái Bình cùng đại diện đoàn thể địa phương động viên, tặng quà gia đình

bà Nguyễn Thị Huế.

Ngày về, bà Huế mang theo nỗi mặc cảm, tự ti lớn. Hoang mang, lo lắng, trăn trở không biết làm gì để kiếm tiền, để duy trì cuộc sống hằng ngày; không biết phải đối mặt với bà con làng xóm ra sao. Đúng thời điểm khó khăn ấy, Công an xã Thái Bình đã tham mưu cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện cho bà Huế vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội làm vốn ban đầu để phát triển kinh tế. Từ sự quan tâm, khích lệ, giúp đỡ đúng lúc, kịp thời đó, bà Huế đã dần vượt qua rào cản tâm lý của bản thân, lấy lại tinh thần, quyết tâm vượt lên số phận để làm lại cuộc đời.

Từ số vốn ban đầu, bà Huế vay mượn thêm để mua 1 con trâu, 5 con lợn nái. Trên diện tích đất vườn sẵn có, bà cùng gia đình trồng hơn 100 gốc nhãn, bưởi, chăm chỉ canh tác 4 sào ruộng, 3 sào ngô để cải thiện đời sống gia đình. Với người phụ nữ đang bước vào tuổi xế chiều ấy, niềm vui mỗi ngày là được chăm sóc gia đình, đưa đón cháu nội đi học, quanh quẩn với công việc đồng áng nhà nông. Những điều tưởng chừng giản dị với một người bình thường nhưng có lúc lại trở nên vô cùng xa vời đối với một người có quá khứ lầm lỗi.

Lan tỏa tính nhân văn của mô hình

Toàn xã Thái Bình, huyện Yên Sơn hiện có 16 người trong diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Phần đông họ đều chưa có công ăn việc làm ổn định, thu nhập còn thấp, chưa đáp ứng được cuộc sống bản thân và gia đình. Nhu cầu được giúp đỡ, đào tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh là rất lớn. Đặc biệt, họ luôn có chung tâm lý mặc cảm tự ti, sống khép kín, không hòa đồng, không chia sẻ.

Để giúp đỡ, cảm hóa những đối tượng này, xã Thái Bình đã triển khai xây dựng mô hình “Giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật” với nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Lực lượng Công an xã Thái Bình đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và thân nhân những người trong diện quản lý, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương để người mãn hạn tù nắm vững, chấp hành nghiêm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội.

Các tổ công tác cộng đồng thường xuyên đến từng gia đình thăm hỏi, động viên, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù.

Phát huy hiệu quả của mô hình “Giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật”, Ban chỉ đạo mô hình đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, trực tiếp quản lý, giúp đỡ những người từng có quá khứ lầm lỗi; động viên họ tích cực tham gia các hoạt động tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn làm ăn phát triển kinh tế; từng bước gỡ bỏ rào cản tâm lý. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân hiểu, thông cảm cho người lầm lỡ, không kỳ thị, phân biệt, tạo điều kiện cho họ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Anh Phạm Văn Trường, sinh năm 1999, trú tại thôn 9, là một trong những trường hợp được “cứu”. Tháng 9-2021, Trường chấp hành xong bản án phạt tù về tội Đánh bạc; và quyết tâm làm lại cuộc đời. Với sự giúp đỡ, đồng hành của các thành viên Ban chỉ đạo mô hình “Giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật”, Trường đã vượt qua mặc cảm, mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để có vốn làm ăn, phát triển kinh tế.

Được lực lượng Công an xã và các đoàn thể quan tâm, người thân trong gia đình động viên, chỉ bảo, Trường càng thấm thía, hối hận về những lỗi lầm của mình. Là con trai duy nhất, trụ cột của gia đình, Trường biết bản thân mình cần cố gắng gấp 5, gấp 10 để bù đắp lại quãng thời gian lãng phí đã qua. Giờ đây, anh tu chí làm ăn, tập trung phát triển 1ha vườn trồng 200 gốc bưởi, 3ha rừng keo, bạch đàn, chăn nuôi ao cá, canh tác 8 sào ruộng. Thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình “Giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật” của xã Thái Bình đã góp phần giúp đỡ người hoàn lương vượt qua mặc cảm, tự ti, an tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa khả năng tái phạm. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lầm lỗi không những trở thành người có ích cho gia đình, xã hội mà còn là tấm gương để những người có quá khứ lầm lỗi khác phấn đấu vươn lên.

Điểm nhấn quan trọng của mô hình, là sự vào cuộc quan tâm, giáo dục, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an xã Thái Bình và các đoàn thể quần chúng. Khi chính quyền, đoàn thể, cộng đồng đặt niềm tin vào những người lầm lỗi thì chính họ sẽ có niềm tin vào bản thân mình, vượt qua mặc cảm, tự tin mở lòng, hòa mình với gia đình, xã hội, quyết tâm làm lại cuộc đời, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.