Không biếu quà lãnh đạo trong dịp Tết

ANTĐ - “Tôi đề nghị các cấp, các ngành, các đồng chí cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc không biếu, tặng quà lãnh đạo các cấp trong dịp Tết”.

Đó là chỉ đạo của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại kết luận hội nghị lần thứ 11, BCH Đảng bộ TP.

Khẳng định nhiệm vụ đặt ra cho năm 2013 của TP là rất nặng nề, thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đều lớn, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu TP phải tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các nghị quyết của Trung ương, Chương trình số 01 của Thành ủy, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo trong toàn Đảng bộ Thành phố.

Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách trong dịp Tết

Bí thư Thành ủy cũng nhắc nhở, các cấp uỷ Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, để nhân dân vui xuân, đón tết Quý Tỵ vui tươi, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết; hết sức quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách xã hội, người có công, các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; chỉ đạo thực hiện thật tốt việc bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết.

Về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bí thư Thành ủy nêu rõ, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, tập thể và từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng những ưu điểm, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo 3 nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 và 2 nội dung gợi ý kiểm điểm sâu của Bộ Chính trị.

Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội đã tạo được chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trước yêu cầu sửa chữa, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại kéo dài. Đồng thời, tạo được không khí dân chủ hơn trong Đảng và trong xã hội; khơi dậy được tinh thần tự phê bình và phê bình trong mỗi tập thể và từng cá nhân cán bộ, đảng viên; thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trên từng lĩnh vực công tác, có địa chỉ cụ thể, gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Ngoài ra, có sự tập trung đi sâu phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục. Ngay sau kiểm điểm, đã tạo được chuyển biến không chỉ về nhận thức, mà trong cả việc làm.