Không áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu cho mọi ngành nghề

ANTD.VN - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân và ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại buổi tọa đàm về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu diễn ra sáng 28-7.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó đưa ra đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu lên 58 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Việc điều chỉnh tuổi hưu ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều người băn khoăn việc điều chỉnh tuổi hưu khiến cơ hội việc làm của giới trẻ thu hẹp lại. Khối lao động trực tiếp cho rằng nếu tuổi hưu tăng lên, người lao động sẽ không đủ sức khỏe để làm việc…

Lý giải sự cần thiết phải điều chỉnh tuổi hưu, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phân tích, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập: được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên thiếu đồng bộ, khó thực hiện; quy định tuổi nghỉ hưu như hiện hành là thấp so với xu hướng tuổi thọ trung bình ngày càng tăng; chưa đảm bảo vấn đề về giới khi tuổi nghỉ hưu của nam và nữ đang chênh lệch nhau tới 5 tuổi. Do đó, việc điều chỉnh quy định của pháp luật về tuổi hưu là thực sự cần thiết. Tuy nhiên việc điều chỉnh như thế nào thì cần tính toán theo một lộ trình cụ thể để vừa đáp ứng được sự phát triển của kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Không xem xét việc tăng tuổi hưu đối với nhóm lao động làm những công việc độc hại

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc điều chỉnh quy định về tuổi hưu là câu chuyện cần phải đặt ra lúc này. Hệ thống pháp luật được xây dựng không phải chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, do đó phải có tính toán cụ thể để phù hợp với sự thay đổi của thực tế xã hội. Trong đó, vấn đề quan trọng phải tính đến là việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng từ thời điểm nào, với nhóm đối tượng nào? “Phương án chung sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng lên. Tuy nhiên đối, với nhóm lao động trực tiếp, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề nghiệp đặc thù như: công nhân hầm mỏ, xây dựng, cầu đường, giáo viên mầm non… tuổi nghỉ hưu sẽ không điều chỉnh mà giữ nguyên như hiện tại”.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng năng lực, trình độ chuyên môn của nhóm lao động lớn tuổi là điều có thể thực hiện nhưng phải tính toán đến hai yếu tố: ngành nghề và sức ép việc làm đối với lao động trẻ. Để tránh dư luận xã hội về việc tăng tuổi hưu sẽ tạo ra tâm lý “tham quyền cố vị”, ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của thế hệ trẻ cần quy định những hạn chế độ tuổi đối với từng vị trí công việc.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, nếu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được thông qua thì việc thực hiện cũng sẽ tiến hành theo một lộ trình dài chứ không phải áp dụng ngay lập tức. Tăng tuổi hưu sẽ tác động đến vấn đề việc làm nhưng không hạn chế cơ hội của nhóm lao động trẻ vì khối lượng công việc trong xã hội, Việt Nam là đất nước đang phát triển, thị trường lao động sẽ ngày càng được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng cho mọi lĩnh vực ngành nghề. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phải tính đến việc làm thế nào để vừa sử dụng tốt nhóm người cao tuổi nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho lao động trẻ, nhất là nhóm lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao có cơ hội làm việc và cống hiến.