Khốn khổ vì dự án “treo”

ANTĐ - Trước thềm kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XIV, cử tri Hà Nội đã gửi 230 kiến nghị cụ thể đề nghị thành phố giải quyết. Nội dung tập trung vào nhiều vấn đề dân sinh bức xúc như cấp “sổ đỏ”, bồi thường GPMB hay quản lý giao thông, đô thị, cấp phép xây dựng trong vùng dự án “treo”...

Người dân trong vùng dự án “treo” bức xúc vì không được cấp “sổ đỏ” 

(Trong ảnh: Hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp “sổ đỏ” tại Thanh Xuân)


“Sổ đỏ” treo cùng dự án

Dù những năm gần đây, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho người dân đã được cải thiện rất nhiều song đây vẫn là nội dung bị “kêu” khá nhiều. Cử tri một số quận nội thành đánh giá, việc cấp GCN cho các hộ dân theo Nghị định 61/CP còn chậm, dù các hộ dân hầu hết đã thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính và nghĩa vụ về tài chính. Do đó, cử tri đề nghị có phương án để tháo gỡ khó khăn, rút ngắn thời gian chờ đợi cũng như giảm tiền thu lệ phí trước bạ khi cấp GCN. 

Cũng trong lĩnh vực đất đai, cử tri nhiều quận, huyện rất bức xúc vì các dự án “treo” quá lâu, có khi hàng chục năm, ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt của người dân. Cụ thể, cử tri Hoàng Mai bức xúc vì “dự án khu đô thị mới Đại Kim - Định Công đã đưa vào sử dụng nhưng việc cấp “sổ đỏ” còn nhiều vướng mắc”. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cũng tại quận này, còn rất nhiều hộ gia đình được giao nhà tái định cư chưa được cấp “sổ đỏ”. Cử tri Hoàng Mai yêu cầu TP sớm có biện pháp khắc phục dứt điểm.

Tương tự, cử tri quận Thanh Xuân cho biết, dự án mở rộng đường Nguyễn Huy Tưởng đã “treo” 13 năm nay, kéo theo 242 hộ dân thuộc 4 tổ dân phố nằm trong chỉ giới dự kiến mở đường không được cấp GCN nên không nhập được hộ khẩu, gây khó khăn cho sinh hoạt. Cử tri Hoàn Kiếm phản ánh, các phường ngoài đê hiện chưa có quy hoạch chi tiết. Do vậy, người dân muốn xin cơi nới, sửa chữa nhà để đảm bảo cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị TP chỉ đạo nghiên cứu sớm công bố quy hoạch chi tiết để người dân yên tâm sinh sống. Cũng khốn khổ vì dự án “treo”, cử tri Ba Đình đề nghị TP cho phép các hộ gia đình nằm trong vùng quy hoạch được cấp phép xây dựng nhà từ 4 đến 5 tầng để giải quyết, tháo gỡ khó khăn nhu cầu về chỗ ở. 

Di dời nhà máy không phải để xây chung cư

Quan tâm tới quỹ đất dôi dư sau khi di dời các cơ quan, bệnh viện, xí nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, một cử tri Thanh Xuân đề nghị TP không bố trí xây chung cư, trung tâm thương mại trên đất đó. “TP nên dành quỹ đất đó xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng, đảm bảo mật độ dân cư, tránh ùn tắc giao thông” - cử tri này nói. Cùng với đó, có cử tri đề nghị kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đầu tư các công trình công cộng để tránh hiện tượng thương mại hóa, các dịch vụ không đúng mục đích, chủ đầu tư không đủ năng lực. “Như dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô là một ví dụ” - cử tri quận Hai Bà Trưng bức xúc.

Nội dung bồi thường, GPMB cũng được cử tri đề cập. Chẳng hạn, cử tri quận Hai Bà Trưng muốn TP xem lại mức đền bù GPMB dự án đường Thanh Nhàn vì mức đền bù 37 triệu đồng/m2 là quá thấp. Cử tri huyện Hoài Đức cần TP quan tâm xem xét giá đền bù đất nông nghiệp cho nhân dân, bởi đang có sự chênh lệch rất lớn giữa giá đất doanh nghiệp bán ra thị trường và mức giá bồi thường do Nhà nước quy định. Cử tri Hoài Đức cũng kiến nghị TP tập trung giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho nhân dân ở các địa phương có đất nông nghiệp bị thu hồi, không nên để chậm trễ quá lâu.

Trong lĩnh vực giao thông, cử tri nhiều quận, huyện đề nghị duy tu, nâng cấp các tuyến đường, phố hiện đã xuống cấp nghiêm trọng như phố Thọ Lão, đường Bạch Đằng - Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); đường ven sông Hồng (quận Ba Đình); mở rộng nút ngã tư từ Khâm Thiên ra phố Lê Duẩn; nâng cấp phố Trần Hữu Tước (Đống Đa); nâng cấp Quốc lộ 6 (Chương Mỹ); đường Ỷ Lan (Gia Lâm); đường Hồng Hà (Hoàn Kiếm)... để nhân dân đi lại được thuận lợi, hạn chế phát sinh tai nạn giao thông. Đặc biệt, cử tri Hoàn Kiếm đề nghị thành phố quan tâm đến việc giãn dân phố cổ để giảm tải mật độ dân số quá đông cho khu vực nội thành.

Cử tri cũng yêu cầu TP có biện pháp giám sát chặt chẽ và đôn đốc tiến độ các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn, tránh tình trạng dự án kéo dài, nhất là các công trình giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cử tri nêu ra hàng loạt ví dụ dự án đang bị “kẹt” như Quốc lộ 32A; đường ven đê Đại Hà từ Cảng Sơn Tây đến Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ; Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Thanh Trì...