Khôn khéo đối phó cướp hiệu vàng

ANTĐ - “Phòng ngừa, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản” là cụm từ “nằm lòng” với đại đa số các chủ cơ sở kinh doanh vàng bạc, kim loại quý. Vấn đề này cần thiết đặt ra sau những vụ án mạng đặc biệt như vụ Lê Văn Luyện (Bắc Giang), vụ hiệu vàng Vững Bắc (huyện Thường Tín, Hà Nội)…

Một phần hiện trường thương tâm tại hiệu vàng “Vững Bắc”

Thực hiện ý đồ đến cùng

Tội phạm nhắm vào hiệu vàng thường có mấy dạng. Thứ nhất là lừa đảo dưới hình thức tráo vàng giả lấy vàng thật. Thứ hai là trộm cắp, lợi dụng sự mất cảnh giác của chủ cửa hàng. Thứ ba, cướp giật; vờ xem hàng rồi bỏ chạy. Thủ đoạn này thường có từ 2 đối tượng trở lên, mục đích chở đồng bọn tẩu thoát và cản trở người đi đường nếu bị truy đuổi. Dạng thứ tư, được xem là manh động, liều lĩnh nhất, là tội phạm cướp tài sản. Nếu như 3 loại tội phạm trên chủ yếu lợi dụng sơ hở của chủ cửa hàng và việc có hay không lấy được tài sản… không quan trọng lắm; thì loại tội phạm thứ tư khác hẳn: đã lên kế hoạch, đã “ra tay” phải thực hiện bằng được!

Vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, vụ hiệu vàng “Vững Bắc” mới đây ở huyện Thường Tín, hay ổ nhóm chuyên cướp tài sản của các chủ hiệu vàng tại các tỉnh phía Nam bị Cục CSHS - Bộ Công an triệt phá cuối năm 2011 cho thấy, ý đồ, hành vi sẵn sàng sát hại chủ cơ sở hoặc nhân viên bán vàng, đá quý chỉ là một “bước” trong kế hoạch cướp của bọn tội phạm.

Chúng tôi đã có điều kiện xem thật kỹ 2 đoạn clip quay cảnh đối tượng tấn công, cướp hiệu vàng. Một là vụ việc tại hiệu vàng “Vững Bắc”, hai là vụ cướp bất thành tại hiệu vàng Kim Phụng, địa chỉ 100 phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội (xảy ra ngày 7-10-2011). Đầu tiên là vụ hiệu vàng “Vững Bắc”; từ khi ra đầu thú và bị bắt (tối 18-2) đưa về CAH Đông Hưng, Thái Bình, Nguyễn Hữu Dưỡng một mực khai: “Lúc đầu, cháu chỉ có ý định dọa, uy hiếp nạn nhân”. Ngay cả khi sau này khi kể lại sự việc với người nhà, Dưỡng cũng không biết nạn nhân còn sống hay đã chết. Diễn biến đoạn clip tại hiệu vàng “Vững Bắc” phần nào cho thấy lời khai của Nguyễn Hữu Dưỡng… có chút sự thật. Sau khi đã lừa được nạn nhân Bắc đi vào trong nhà, Dưỡng chạy theo, dùng dao kề sát cổ để đe dọa. Đoạn clip không thể hiện được nội dung cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa Dưỡng và nạn nhân Bắc lúc đó, nhưng chắc chắn không ngoài ý đồ bắt bà Bắc phải đưa tiền, vàng. Hành động giết người của Dưỡng nổi lên khi nạn nhân Bắc có ý định và hành vi chống trả. Và lúc ấy, một kẻ vốn từng được người quen, gia đình đánh giá là “ngoan” như Nguyễn Hữu Dưỡng đã hành động dã man như một con thú.

Vụ việc thứ hai - đoạn clip ghi lại cảnh đối tượng Vũ Tuấn Anh (SN 1990), nhà ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, đeo khẩu trang, mang theo dao phay và đội mũ che gần kín mặt để vào cướp tại hiệu vàng Kim Phụng, phố Minh Khai. Con dao phay lúc đầu chỉ được Tuấn Anh dứ dứ nhằm dọa anh Cao Đức Thịnh, chủ cửa hàng. Cũng chính con dao ấy, Tuấn Anh dùng đập vỡ quầy kính nhằm lấy tài sản. Đến khi anh Thịnh xông ra, con dao đã trở thành hung khí tấn công người chủ cửa hàng. Điều may mắn trong vụ án này, là ý đồ “hạ gục” người chủ hiệu vàng Kim Phụng của tên cướp đã bất thành.

Nên phản ứng ra sao?

“Thú thực ban đầu, khi chứng kiến thái độ hung tợn của tên cướp, tôi đã chủ định buông, để mặc nó lấy gì thì lấy. Ít giây sau đó khi đã bình tĩnh lại, tôi chú ý quan sát, phát hiện sơ hở của đối tượng và quyết định tấn công lại”, anh Thịnh - chủ cửa hàng Kim Phụng nhớ lại.

Nêu câu hỏi, lời khuyên của CQĐT đối với các chủ hiệu vàng nên phản ứng ra sao trong tình huống đối mặt với cướp, chúng tôi nhận được hồi âm của nhiều điều tra viên, trinh sát hình sự kinh nghiệm, đó là: “Người dân nên khéo léo đối phó để trước hết là đảm bảo được sự an toàn tính mạng. Trong trường hợp tìm được điều kiện thuận lợi nhất, phát hiện sơ hở của đối tượng, có thể chống trả nhưng phải tuyệt đối đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

Cách tốt nhất là chạy thoát khỏi sự kiểm soát của đối tượng, sau đó nhấn chuông báo động, kêu cứu hàng xóm xung quanh”. Trang bị, lắp thiết bị báo động bí mật ở nhiều vị trí trong cửa hiệu, nơi bán hàng cũng là gợi ý mà các điều tra viên, trinh sát đưa ra.

Song song với lời khuyên của CQĐT, một vấn đề chúng tôi muốn nhắn nhủ các chủ hiệu vàng, đá quý, là hơn hết, mỗi người phải chủ động trang bị ý thức phòng ngừa. Nhiều năm qua, địa bàn Hà Nội nói riêng, công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa tội phạm xâm hại hiệu vàng, chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, hay các cột ATM… đã được cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo về biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Tuy nhiên không phải cửa hàng, địa bàn nào cũng ý thức được và chấp hành nghiêm túc. Tội phạm cướp vẫn tìm thấy sơ hở, đặc biệt đối với các cửa hiệu mở tại nhà riêng ở các thị trấn, thị tứ; các cửa hàng không thuê bảo vệ chuyên nghiệp, hệ thống cửa thiếu an toàn, hệ thống camera an ninh không được quan tâm kiểm tra, bảo dưỡng.

Phản ứng tự vệ thông minh

Cướp có vũ khí là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất và có khả năng gây nguy hiểm nhất tại Hoa Kỳ. Trên website chính thức của Sở Cảnh sát Springfield, thành phố lớn thứ 3 của tiểu bang Missouri khi hướng dẫn người dân cách phản ứng với một vụ cướp có vũ trang nhấn mạnh: Một tên cướp ra tay bởi đối tượng chỉ nhắm đến nguồn lợi thu được bất chấp rủi ro nên chúng rất liều lĩnh, vì thế mọi người cần quan niệm rằng an toàn tính mạng là quan trọng nhất.

Họ nêu ra những nguyên tắc chung như sau: Đừng chống lại các tên cướp, tiền bỏ ra là không xứng với mạo hiểm cuộc sống của bạn; Nếu một người nào đó sẽ quay lại sớm hoặc bạn buộc phải đi đâu đó, hãy nói với tên cướp để hắn không bị giật mình; Thực hiện theo lệnh của tên cướp, nhưng không tình nguyện giúp đỡ hắn; Nếu có người khác ở đó, cố giữ cho họ bình tĩnh; Chỉ kích hoạt báo động khi tên cướp không để ý…

Các chiến dịch truyền thông về phòng chống tội phạm ở Mỹ, Canada, Australia hầu hết đều trang bị kỹ năng ứng phó với tình huống không ai muốn gặp này. Theo đó, mỗi vụ cướp có vũ khí, điểm yếu nhất của các nạn nhân không phải là tiền trong túi, là tài sản trong nhà hay không có vũ khí phòng thân mà đơn giản là thiếu kỹ năng chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ. Khi đó, dù bị sốc mà không phản ứng được gì thì người bị cướp cũng phải cố giữ bình tĩnh, kiểm soát nỗi sợ hãi. Cũng có câu hỏi đặt ra là có nên chống lại tên cướp hay không? Các chuyên gia khẳng định, mỗi tình huống mỗi khác, nói chung an toàn tính mạng vẫn là trên hết, chỉ vùng lên chống lại khi không còn lựa chọn nào khác và phải chọn đúng thời cơ.