Khởi tố cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết về tội lừa đảo: Khởi tố bổ sung diễn ra khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hành vi thao túng thị trường chứng khoán, mới đây, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm tiếp tục bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy theo quy định hiện hành, khi nào sẽ khởi tố bổ sung, với trường hợp phạm nhiều tội mức phạt được áp dụng thế nào?

Ở vụ án thứ 2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có căn cứ cho rằng giai đoạn 2014-2016, ông Quyết cùng đồng phạm làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Faros.

Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, cựu chủ tịch FLC và các bị can đã bán nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Dưới góc độ pháp lý Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 156 Bộ luật TTHS 2015 quy định, CQĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, CQĐT phải gửi quyết định kèm theo các tài liệu liên quan đến việc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố bổ sung về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố bổ sung về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thông thường, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trong quá trình tiến hành những hoạt động tố tụng tiếp theo, cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện những thông tin, tài liệu, chứng cứ mới làm cho nhận thức về bản chất của vụ án và hành vi phạm tội sâu sắc hơn, đầy đủ hơn nên cần phải bổ sung cho phù hợp với thực tế khách quan.

Yêu cầu khách quan của việc bổ sung quyết định khởi tố vụ án là do ý nghĩa pháp lý của chính quyết định khởi tố vụ án quy định. Việc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan trực tiếp nhất đến việc quyết định áp dụng, thay sửa, bổ sung các biện pháp ngăn chặn - Luật sư Thu phân tích.

Còn với trường hợp phạm nhiều tội, theo Luật sư Thu, đó là thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập hoặc chỉ thực hiện một hành vi nhưng cấu thành nhiều tội phạm khác nhau.

Trong trường hợp một người phạm nhiều tội, được xét xử trong cùng 1 lần thì Tòa án quyết định hình phạt với từng tội và tổng hợp theo quy định tại Điều 55 BLHS 2015.

Theo đó, với hình phạt chính, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung nhưng không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ và không vượt quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.

Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 1 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung như trên.

Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân; Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình. Nếu bị phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

Với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên - Luật sư Thu cho biết.