Khởi tố 4 vụ - 12 đối tượng gian lận thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong tháng 4-2022, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội (Cơ quan của BCĐ 389 TP. Hà Nội) đã khởi tố 04 vụ đối với 12 đối tượng có hành vi gian lận thương mại.

Theo Thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội, trong tháng 4-2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các lực lượng chức năng Thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn còn xảy ra;

đặc biệt hoạt động kinh doanh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ đồ chơi bạo lực

Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ đồ chơi bạo lực

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và các giải pháp hiệu quả về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc lớn có liên quan đến các mặt hàng như quần áo, thực phẩm, phụ kiện điện thoại, thuốc lá, xăng dầu…

Cụ thể, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 Thành phố đã kiểm tra 1.204 vụ; xử lý 944 vụ; khởi tố điều tra 4 vụ đối với 12 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước hơn 57 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế, thu hồi thuế hơn 34 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị, lực lượng đạt kết quả kiểm tra, xử lý tích cực. Như Cục QLTT (Cơ quan Thường trực BCĐ 389 Thành phố) đã tham mưu cho BCĐ 389 Thành phố triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và BCĐ 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia, Trưởng Ban, Phó Trưởng BCĐ 389 thành phố Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.

Chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn; xây dựng các phương án kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa. Chú trọng công tác kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng 4, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra 363 vụ, xử lý 312 vụ; phạt hành chính gần 2,9 tỷ đồng; tTrị giá hàng vi phạm trên 3 tỷ đồng.

Đạt kết quả tích cực khác là CATP Hà Nội; đã chỉ đạo lực lượng CATP, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn Thành phố, Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP...

Kịp thời điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do các cơ quan chức năng khác chuyển đến.

Trong tháng, CATP đã kiểm tra 83 vụ, xử lý 78 vụ; phạt hành chính gần 1,4 tỷ đồng; truy thu thuế gần 2,5 tỷ đồng; Trị giá hàng vi phạm hơn 2,3 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ đối với 12 đối tượng.

Theo lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội, trong thời gian tới, BCĐ 389 Thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia, UBND Thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường.

Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.