Khốc liệt "cuộc đua" vào lớp 10

ANTD.VN - Chỉ còn chưa đến một tuần nữa, gần 83.000 học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Nhiều trường công lập của Hà Nội có mức cạnh tranh khốc liệt hơn cả vào trường đại học lớn.

Thí sinh phải đạt 8-9 điểm Toán, Văn thì mới có khả năng đỗ vào những trường tốp 1

Năm học 2017-2018, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 học sinh. Ngày 9-6, thành phố sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với 2 môn thi Ngữ văn và Toán theo hình thức tự luận.

Tỷ lệ cạnh tranh lớp 10 cao hơn đại học

Không tính đến mức độ khó là các trường chuyên của Hà Nội như THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Sơn Tây… có tỷ lệ cạnh tranh thuộc loại “khốc liệt”, nhiều trường công lập không chuyên như THPT Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT Việt Đức... cũng có tỷ lệ chọi tương đối cao trong kỳ thi diễn ra vào ngày 9-6 tới. 

Cụ thể, trường THPT Chu Văn An chỉ tuyển 240 học sinh, nhưng có đến 730 hồ sơ đăng ký nguyện vọng một, tỷ lệ chọi là 1:3. THPT Kim Liên có tỷ lệ chọi là 1:2,3. THPT Thăng Long có 1.230 hồ sơ nguyện vọng một nhưng chỉ tiêu tuyển sinh thấp hơn gấp 2,5 lần. Tỷ lệ chọi của THPT Việt Đức là 1:1,7. Tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10 các trường tốp đầu Hà Nội cao hơn một số đại học tốp đầu cả nước như ĐH Kinh tế quốc dân khoảng 1:1. Tỷ lệ này được tính dựa trên chỉ tiêu và tổng số thí sinh đăng ký vào trường. Nếu xét theo từng khoa, ngành, nhất là ngành hot, tỷ lệ chọi sẽ cao hơn.

Mức điểm chuẩn năm học trước của các trường này cũng cao chót vót như THPT Chu Văn An là 55 điểm, Phan Đình Phùng: 52 điểm… Muốn đạt mức điểm này học sinh ngoài việc phải đạt điểm xét THCS mức tuyệt đối thì 2 môn Văn và Toán cũng phải đạt 8-9 điểm. Đây là mức điểm khó đạt được khi đề thi vào lớp 10 thường có độ phân hóa cao, khó đạt điểm tuyệt đối.

Thầy Trần Hồng Hà, giáo viên Toán quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, tuy đề thi vào lớp 10 không thay đổi cấu trúc nhưng mức độ đề phân loại cao nên việc ôn tập của học sinh phải hết sức cẩn thận, tiết kiệm từng 0,25 điểm. Thông thường phải đạt 8-9 điểm Toán, Văn thì mới có khả năng đỗ vào những trường tốp 1 thuộc mỗi khu vực tuyển sinh ở Hà Nội.

Đề thi không đánh đố 

Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội vẫn luôn được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định sẽ không nằm ngoài sách giáo khoa, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 và không có câu hỏi đánh đố. Tuy nhiên, việc giữ ổn định, an toàn kỳ thi này không có nghĩa là đề thi không thể đổi mới theo hướng mở, tăng cường vận dụng thực tiễn. 

Ngày 2-6, hơn 73.000 học sinh TP.HCM đã trải qua môn thi đầu tiên khá hứng khởi bởi cách ra đề được đánh giá cao. Đề Ngữ văn gồm 3 câu kèm nhiều hình ảnh minh họa. Đặc biệt có những câu hỏi “siêu” ngắn gọn chỉ có 7 từ đi trực tiếp vào vấn đề của giới trẻ: “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?”.

Cô Nguyễn Vĩnh Hà, Trợ lý Hiệu trưởng trường THCS Pascal, Hà Nội nhận xét, đề thi này có cách đặt vấn đề rất hay, đặc biệt cả 3 câu hỏi của đề thi đều liên quan đến kiến thức xã hội, đòi hỏi học sinh có chính kiến, có kiến thức xã hội bên cạnh kiến thức sách vở. Câu 1, đề thi cho 2 văn bản kèm hình ảnh của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã vượt qua thần tượng của chính mình bằng nỗ lực phi thường, tài năng tỏa sáng đã thắp lên niềm tin, đam mê và thành công cho giới trẻ khiến nhiều thí sinh thích thú.

Câu 2, yêu cầu thí sinh viết đoạn văn ngắn 1 trang giấy thi với chủ đề chạm đúng băn khoăn của lứa tuổi này về việc tuổi trẻ có cần sống khác biệt. Câu 3 về nghị luận xã hội tạo cảm hứng để học sinh thăng hoa, trình bày cảm xúc về quá trình học văn, hiểu biết về các tác phẩm văn học. Cách ra đề này được đánh giá là ra theo hướng mở, sát chương trình học và yêu cầu thí sinh biết vận dụng, liên hệ thực tế chứ không rập khuôn sách giáo khoa. 

Cô Nguyễn Vĩnh Hà, cho rằng đề thi Ngữ văn của TP.HCM có cách trình bày câu hỏi với hình ảnh minh họa sinh động, đề có tính giáo dục cao, định hướng lối sống cho thế hệ trẻ. Những điểm mạnh này hoàn toàn có thể học tập, áp dụng trong các kỳ thi của Hà Nội. Nhiều học sinh khi được hỏi ý kiến cũng bày tỏ mong muốn có những đề thi tạo cho thí sinh tâm trạng hứng khởi khi làm bài, được thỏa thích trình bày ý tưởng, suy nghĩ chứ không bị ràng buộc theo mô típ cũ chỉ dừng ở một tác phẩm văn học.

Nhiều cơ hội học tập ngoài các trường THPT công lập

Hiện nay, cơ hội học tập được trang bị cho học sinh theo xu hướng phù hợp với năng lực, tố chất của cá nhân. Việc lựa chọn vào lớp 10 THPT công lập không phải là hướng đi duy nhất. Hiện Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với dạy nghề. Rất nhiều trung tâm trong số này đang được học sinh lựa chọn, đặc biệt là huyện ngoại thành.

Nguyên nhân là mô hình hoạt động dạy và học ở đây phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của học sinh và phụ huynh cũng như nhu cầu thị trường lao động. Học sinh cũng học 3 năm nhưng chỉ học 7 môn văn hóa thay vì 11 môn như ở trường THPT. Bên cạnh đó, các trung tâm này sẽ kết hợp việc dạy nghề cho học sinh với các trường Trung cấp chuyên nghiệp.

Kết thúc 3 năm học, học sinh thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT như theo học chương trình phổ thông bình thường đồng thời có thêm bằng kép học nghề. Tùy theo nhu cầu của học sinh, các em hoàn toàn có thể học lên tiếp hoặc tham gia thị trường lao động với tay nghề bậc trung cấp.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Hà Nội

Khốc liệt "cuộc đua" vào lớp 10 ảnh 3

Nên thay đổi cách thi nhẹ nhàng, tránh học lệch

Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tôi đề nghị xem lại cách đánh giá học sinh THCS hiện nay. Chúng ta có nên để tình trạng học sinh chỉ tập trung vào học 2 môn Văn, Toán để thi vào lớp 10 THPT như hiện nay không? Việc các em phải dồn sức chỉ học 2 môn này mà không quan tâm tới các môn học khác cốt để đủ điểm vào lớp 10 khiến học sinh học lệch.

Điểm số lúc này cũng không phản ánh đúng thực chất vì phần lớn là do ôn luyện. Quan điểm của tôi là nên tổ chức cho học sinh thi hết THCS theo môn học bắt buộc: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên do các tỉnh, thành phố chỉ đạo, một cách nhẹ nhàng không gây áp lực nhưng đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Lấy kết quả thi hết cấp thay cho một kỳ thi vào lớp 10 THPT như hiện nay.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội