U23 Việt Nam:

Khoan dung để gắn kết

ANTĐ - Xung đột sắc tộc, phân biệt đối xử, kỳ thị... là nguồn cơn của biết bao bạo lực, khổ đau, thiệt thòi đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thế giới. Bởi vậy, theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, khoan dung có ý nghĩa sống còn để gắn kết trong thế giới đa dạng và chống mọi hình thức và biểu hiện phân biệt đối xử.

Hãy giáo dục lòng khoan dung từ thế hệ trẻ

Cách đây 16 năm, ngày 16-11-1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO) thông qua Ngày Quốc tế Khoan dung (International Day of Tolerance) và lấy ngày này hàng năm làm Ngày Quốc tế Khoan dung. Đại diện của 185 quốc gia đã ký vào bản Tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO.

Theo đó, 185 quốc gia cam kết “tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”. Các quốc gia cũng công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của mình.

16 năm nhìn lại có thể thấy Ngày Quốc tế Khoan dung chưa thật sự đi vào cuộc sống. Rất nhiều người dân còn chưa biết tới ngày quốc tế này chứ chưa nói tới những ý tưởng cao đẹp của nó.

Chính vì thế mà cuộc đấu tranh hướng tới sự khoan dung, chống lại mọi hình thức phân biệt, kỳ thị vẫn còn rất nan giải. Việc con người dễ bị tổn thương trước mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, ngôn ngữ, giới tính… vẫn là một thực trạng nhức nhối và phổ biến trên thế giới.

Hiện hàng triệu người trên thế giới vẫn đang phải hàng ngày đấu tranh chống lại tệ phân biệt đối xử, nhằm giành quyền tiếp cận công bằng về giáo dục, y tế và việc làm. Việc thực hiện các quyền con người, kể cả các quyền xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự và chính trị, đang bị ngăn cản do phân biệt đối xử. Trong đó, phụ nữ vẫn là những người bị phân biệt và thiệt thòi nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mặc dù thực hiện 2/3 số giờ lao động của toàn thế giới và tạo ra một nửa lượng lương thực cho toàn cầu nhưng phụ nữ chỉ nhận được 10% thu nhập của toàn thế giới và sở hữu ít hơn 1% tài sản của hành tinh.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là xu hướng gia tăng xung đột vì mâu thuẫn sắc tộc. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm nóng xung đột, bạo lực từ châu Âu tới Nam Á, Trung Đông và châu Phi mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc.

Bởi thế, trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Khoan dung (16-11) năm nay, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của “khoan dung chủ động” trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt đang trải qua những thách thức chính trị và kinh tế lớn chưa từng thấy hiện nay. Ông kêu gọi cộng đồng thế giới tôn trọng sự đa dạng, chống mọi hình thức phân biệt đối xử và tăng cường các nỗ lực giáo dục về quyền con người. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho rằng, chìa khoá của “khoan dung chủ động“ là một nền giáo dục chất lượng để mọi cá nhân có thể tham gia tranh luận rộng rãi, lắng nghe và hoà nhập các quan điểm khác nhau.