Khoan dung để chống khủng bố

ANTĐ - Thế giới cần một đường lối mới chống khủng bố để loại bỏ tận gốc rễ của thứ nạn vẫn đang hàng ngày hàng giờ đe doạ cuộc sống bình yên của người dân cũng như an ninh trên khắp thế giới.

Kỳ thị và áp bức bất công là nguyên nhân dễ nảy sinh khủng bố

Phát biểu ngày 27-6 tại Diễn đàn về đối thoại, nhận thức và chống sự lôi kéo của chủ nghĩa khủng bố được tổ chức tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), tổ chức hoà bình và an ninh lớn nhất hành tinh này cùng đại diện nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy một đường lối toàn cầu mới chống khủng bố. Đường lối mới này phải dựa trên nền tảng căn bản là tăng cường đối thoại giữa các dân tộc, chứ không chỉ là dùng sức mạnh để tiêu diệt khủng bố.

Có thể nói đây là cách tư duy và tiếp cận mới trong việc xây dựng một chiến lược mới chống khủng bố cấp độ toàn cầu. Hơn 10 năm qua, đặc biệt là sau sự kiện khủng bố 11-9-2011 ở nước Mỹ, thế giới đã quá quen với việc sử dụng tối đa sức mạnh quân sự nhằm triệt phá tận gốc rễ khủng bố khắp nơi trên thế giới.

Theo lối tư duy và tiếp cận đó, Mỹ và phương Tây đã phát động 2 cuộc chiến tranh nhằm vào Afgahnistan và Iraq với danh nghĩa chống khủng bố. Đó là chưa kể việc Mỹ vẫn duy trì một lực lượng khổng lồ gồm từ tình báo, quân đội đến vũ khí công nghệ cao... để 24/24h lùng sục và tiêu diệt khủng bố tại mọi ngõ ngách của thế giới.

Tuy nhiên, khủng bố vẫn ăn sâu bám rễ, thậm chí còn nảy sinh tại những nơi mà trước đây ít ai ngờ tới như chính tại Mỹ, Pháp, Anh, Đức... và bất ngờ nhất là Na Uy với vụ khủng bố chấn động thế giới tháng 7-2011 làm hơn 80 người thiệt mạng. Trong tuyên bố đưa ra đầu tháng 6 này, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phải thốt lên: “Chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng như cách đây 10 năm mà bằng chứng là hàng chục nghìn người dân đã bị thiệt mạng”. 

Nói cách khác, cuộc chiến chống khủng bố mà cộng đồng quốc tế, đi đầu là Mỹ, phát động và đẩy cao từ hơn 10 năm qua vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự. Từ hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố, giới phân tích cho rằng Mỹ và phương Tây đi chưa thật đúng hướng trong cuộc chiến gian khó này. Thay vì giải quyết những căn nguyên sâu xa dẫn tới khủng bố thì phương Tây lại quá tập trung vào phần ngọn, tức là tìm diệt các phần tử khủng bố.

Chính vì thế, tại Diễn đàn về đối thoại, nhận thức và chống sự lôi kéo của chủ nghĩa khủng bố, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã nêu bật vai trò của đối thoại, sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các cộng đồng, đồng thời kêu gọi các chính phủ tăng cường mọi nỗ lực để xây dựng những xã hội khoan dung và năng động, bác bỏ mọi kích động thù hận của các phần tử khủng bố.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulaziz Al-Nasser cho rằng thế giới không thể có một đường lối chống khủng bố phù hợp với tất cả các nước nhưng thế giới cần phát triển nhận thức sâu rộng hơn về các biện pháp hiệu quả chống lại sự bất khoan dung, tư tưởng kỳ thị, chia rẽ và phân biệt đối xử đối với các cộng đồng thiểu số vốn được xem là căn nguyên sâu xa dẫn tới chủ nghĩa quá khích và khủng bố.