Đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010:
Khó với đề Văn khối C, D
(ANTĐ) - Trong ngày thi đầu, số TS bị xử lý kỷ luật là 85 trường hợp, trong đó 78 trường hợp bị đình chỉ thi, chủ yếu do mang tài liệu vào phòng thi. Cũng trong đợt thi này, nhiều hội đồng đã tổ chức các phòng thi đặc biệt cho những TS khiếm thị và bị liệt cả chân tay.
Một số thí sinh hài lòng khi hoàn thành bài thi khá tốt |
9h sáng 9-7, thí sinh (TS) dự thi khối B đã kết thúc môn thi đầu tiên Sinh học theo hình thức thi trắc nghiệm với tâm trạng khá nhẹ nhàng vì đề không quá khó. Trong khi đó, với thời lượng 3 tiếng, TS dự thi khối C và D lại khá vất vả và không hoàn toàn hài lòng với kết quả làm bài của mình vì đề thi không dễ ở các câu nghị luận và cảm nhận tác phẩm thơ, văn xuôi.
Bất ngờ với đề Văn
Ngắn gọn nhưng đề thi Văn năm nay đòi hỏi cao về kỹ năng phân tích, tổng hợp của người viết khi phải nêu cảm nhận cùng một lúc cả 2 đoạn thơ hoặc đoạn văn ở 2 tác phẩm khác nhau. Đề văn khối C, các TS đều phải làm phần đề chung 5 điểm gồm 2 câu, trong đó có câu nghị luận 3 điểm “Như một thứ a-xit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội”. Câu 5 điểm được yêu cầu cảm nhận về 2 đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tràng Giang của Huy Cận ở phần đề cho chương trình cơ bản và dành cho chương trình nâng cao là cảm nhận một đoạn văn trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường. Muốn đạt 5 điểm của câu hỏi này, TS phải hiểu một cách sâu sắc về các tác phẩm để đưa ra được mối dây liên hệ, sự so sánh giữa hai tác phẩm với nhau.
Cũng không dễ hơn, đề thi Văn khối D yêu cầu TS trình bày dưới dạng nghị luận về vấn đề “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”. Đặc biệt, ở câu 5 điểm, TS phải trình bày cảm nhận về đoạn thơ trong bài “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo được cho là không dễ bởi bài thơ được viết theo lối siêu thực và ít được học sinh chú ý ôn tập trong quá trình học.
Phần đề riêng cho chương trình nâng cao, TS phải trình bày cảm nhận về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời thừa - Nam Cao). Cũng tương tự như đề thi khối C, TS phải hiểu rõ cả 2 tác phẩm để đưa ra những phân tích, nhận định có tính kết nối giữa 2 tác phẩm này qua đoạn văn nói trên. Với dạng đề thi này, một số TS cho biết, đề thi hơi bất ngờ nhưng phân loại được TS, những người học sâu và học hiểu sẽ viết khác với những người học vẹt. Hơn nữa, vì bất ngờ nên cũng đòi hỏi thí sinh làm bài một cách sáng tạo, có cảm hứng để viết hơn.
Bố trí 3 giám thị trông 1 TS
Đây là trường hợp của TS Nguyễn Thùy Chi, học sinh trường THPT Lào Cai 1, tỉnh Lào Cai, dự thi vào Khoa Văn - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, do TS này bị liệt cả hai chân, hai tay nhưng vẫn đăng ký dự thi nên trường phải bố trí phòng thi đặc biệt vì TS không thể viết mà chỉ đọc bài làm của mình. Theo đó, Nguyễn Thùy Chi được bố trí thi ở một phòng riêng có 3 giám thị: 1 giám thị có nhiệm vụ chép bài làm của Chi, 1 giám thị khác làm nhiệm vụ giám sát giám thị kia chép và giám thị thứ 3 thì quay camera và ghi âm quá trình làm bài của thí sinh.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, giám thị các buổi thi ở phòng thi này đều được bố trí theo phương pháp bốc thăm. Vì đây là bài được viết như các bài thi khác và TS sau khi làm bài xong đã đọc lại, điểm chỉ vào bài làm của mình nên việc chấm bài thi của TS này sẽ được tiến hành bình thường như các TS khác. “Trong trường hợp phát hiện có gì bất thường trong quá trình chấm, chúng tôi sẽ sử dụng băng ghi hình và ghi âm các buổi thi của TS này để đối chiếu” - Ông Sơn cho biết. Phương án thi này đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT. Đây cũng là TS đặc biệt nhất từ trước đến nay đã dự thi vào trường. Được biết, TS này đã hoàn thành bài đúng thời hạn quy định như các TS khác và theo nhận xét của giám thị coi thi thì bài làm của em khá tốt.
Vinh Hương
Tỷ lệ dự thi tăng 6,5% so với năm 2009 Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ II, Bộ GD-ĐT đã thống kê tỷ lệ dự thi của các trường ĐH khu vực Hà Nội đều tăng so với năm trước, đặc biệt là các trường khối sư phạm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 75,1% thí sinh đã nộp hồ sơ đến dự thi. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có tỷ lệ dự thi lên tới trên 78%, tăng 8% so với năm trước. Trên cả nước, tổng số TS dự thi là hơn 583.000, đạt tỷ lệ 78,19%, tăng 6,56% so với năm 2009. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà cho biết, trong ngày thi đầu đợt II, đề thi các môn Văn, Sinh, Toán, Sử được bảo mật tuyệt đối tất cả các khâu. Đề thi nằm trong chương trình THPT, không có sai sót. Trong số 85 trường hợp bị xử lý kỷ luật thì có 78 thí sinh bị đình chỉ với 57 trường hợp mang tài liệu vào phòng thi. Cũng theo báo cáo nhanh, mặc dù trong ngày thi đầu không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở các TP lớn, nhưng có xảy ra mất điện. Cụ thể, đầu giờ thi buổi sáng, tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khu vực Định Công; điểm thi ĐH Thăng Long, khu vực Đại Kim, quận Hoàng Mai bị mất điện. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ sau khoảng 20 phút điện đã có trở lại. Buổi chiều có một điểm thi Trường ĐH Y tế công cộng ở Giảng Võ bị mất điện và cũng được Tập đoàn phối hợp xử lý ngay. Duy Anh |