Khổ vì vợ đảm

ANTĐ - Vợ đảm đang, chu đáo, nhà sạch, cơm ngon là mơ ước của nhiều người đàn ông. Tuy nhiên, không ít đức ông chồng lại thấy khó chịu khi người vợ trở thành “trật tự viên”… vệ sinh. 

Ảnh minh họa: Internet

Nhà sạch nhưng không “ấm”

Ngày nào, anh Đinh Công Định (Nguyễn Khách Toàn, Cầu Giấy) cũng la cà ở quán bia đến 6-7h tối không về. Có hôm bạn bè cũng rảnh rỗi tiếp chuyện anh. Nhưng cũng có bữa, mọi người phải về sum họp gia đình, anh Định cứ nài nỉ, níu kéo họ ngồi lại với mình. Anh bạn cười xòa: “Tôi phải về với cái tổ quạ và con gà mái ghẹ nhà tôi. Úi xùi lắm nhưng cũng phải về giữ hòa khí. Nghe nói bà xã anh đảm đang, nấu ăn giỏi lắm mà. Tôi như anh về nhà nằm khểnh, ăn cơm vợ nấu có mà sướng như tiên”. Anh Định cười nhăn nhó: “Nhà cửa tôi sáng bóng chả khác nào khách sạn 5 sao. Cơm cũng chả khác sơn hào hải vị, mà nuốt không vào vì chỉ vì sự sạch sẽ của vợ”. 

Sau khi lấy nhau, chị Hoài - vợ anh Định sinh luôn hai đứa con, công việc bấp bênh nên chị ở nhà, nuôi con, chăm chồng. Cầu toàn, chỉn chu, chị Hoài luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, quần áo của chồng con thơm tho, cơm nóng, canh ngọt. Có con nhỏ nhưng nhà anh Định không lúc nào có mùi khai, mùi nôn chớ. Hai đứa con lúc nào cũng như búp bê bày trong tủ kính, thơm nức. 

Vợ đảm đang, anh Định về nhà đáng lẽ được nằm khểnh, xem ti vi, đọc báo, đợi đến giờ cơm. Nhưng khổ nỗi, vừa làm, chị Hoài vừa nói. Lau nhà thì ca cẩm bố con bừa bãi, bẩn thỉu, giữ nguyên thói quê kệch, giặt quần áo thì lầu bầu: “con nghịch, chồng lê la”. Đến tối, cả nhà chuẩn bị lên giường thì chị Hoài lại tiếp tục la hét “chồng đánh răng kỹ, con rửa chân sạch, không được qua loa, cẩu thả”. “Gia đình lúc nào cũng như chiến trường mà vợ tôi một mình một chiến tuyến. Cô ấy vừa gây chiến, vừa tự “đánh nhau” một mình. Còn bố con tôi là “kẻ địch” không có khả năng kháng cự, cũng chẳng dám hé răng” – anh Định thở dài.  

Do sự sạch sẽ của con dâu mà mẹ anh Định không dám từ quê lên nhà con trai chơi. Mặc dù cô ấy luôn nói nhẹ, cười hiền với mẹ chồng, nhưng bà không thể chịu được việc, bà làm bất cứ việc gì, chị Hoài cũng cầm theo cái khăn để lau, nhặt cho bằng hết những thứ rơi vãi. Thương con dâu, bà rửa hộ mấy cái bát, chị cũng rửa lại. “Sống trong gia đình mà mất tự nhiên thế, mẹ không chịu nổi” – bà mẹ chồng thì thào với con trai rồi nằng nặc đòi về quê. 

Sai lầm về giá trị

“Đã 11 năm rồi, tôi mệt mỏi vì sự gọn gàng, sạch sẽ của vợ. Nhà tôi sạch nhưng không ấm. Vợ tôi đảm nhưng không hiền từ. Đã có lần tôi muốn ly hôn cho dễ thở nhưng chả nhẽ lại nói nguyên nhân vì vợ quá sạch, quá chu toàn. Tôi chỉ ước ở căn nhà hơi bừa bộn mà ấm cúng, chồng cười, con nghịch ngợm, vợ hiền hậu, ấm áp” – anh Định ao ước. 

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Trung tâm tư vấn Linh Tâm), nhiều phụ nữ ngay từ nhỏ đã được bà, được mẹ dạy dỗ phải biết vun vén, nội trợ, đảm đang, hy sinh mới là một người vợ tốt, mẹ mẫu mực. Họ “tự buộc” mình vào khăn lau, chổi quét và cho rằng, chỉ có giữ cho nhà cửa thật sạch sẽ, cơm ngon, canh ngọt thì mới làm hài lòng chồng, mới giữ cho gia đình được chuẩn mực, mới tôn vinh giá trị bản thân. Nhưng chính vì quan niệm rất sai lầm về giá trị người vợ, người mẹ, người phụ nữ, nên họ lại luôn cảm thấy mình không có gì đáng giá. Họ sợ “vô hình” trong mắt chồng, sợ chồng không đánh giá đúng giá trị, công sức, tình cảm mà mình bỏ ra cho gia đình. Việc mắng chó, quẹo mèo chính là muốn để “đánh tiếng” cho chồng con biết. 

“Nhà sạch mà tinh thần u ám, cơm ngon mà đau dạ dày vì căng thẳng thì gia đình cũng không êm ấm, hạnh phúc. Những bữa ăn tinh thần vui vẻ, đầm ấm mới là mục tiêu chính của mỗi người khi xây dựng gia đình” – ông Hòa phân tích. Chỉ khi người phụ nữ tự tin về bản thân, hài lòng với tâm hồn, trí tuệ, năng lực của mình, cảm thấy thực sự hạnh phúc với những điều mình có thì mới mong chia sẻ hạnh phúc đó với chồng con. Nếu luôn căng thẳng, mệt mỏi, nhăn nhó với chính mình, người vợ đó sẽ ngày càng đơn độc trong nỗi buồn chán của mình. 

Người chồng nên thường xuyên thu xếp cho gia đình đi chơi, picnic ở ngoài trời, để người vợ cách ly khỏi chuyện bếp núc, để chị em có thời gian nghỉ ngơi, ngắm chồng con vui vẻ, tâm trạng thoải mái, tinh thần phấn chấn hơn và dần dần thay đổi quan điểm của mình về hạnh phúc.  Nhà bẩn thì có thể từ từ dọn nhưng tình cảm vợ chồng, sức khoẻ của bản thân thì cần chăm sóc ngay. Chỉ cần hiểu được tình yêu và sự quan tâm của chồng, tức khắc, người phụ nữ cũng sẽ cởi bỏ được gánh nặng tâm lý, không ám ảnh về sự sạch sẽ, ngăn nắp nữa.