Khó ngăn chặn hàng giả, hàng lậu bán online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với hình thức bán trực tuyến, đặc biệt bán qua các mạng xã hội, hàng giả, hàng nhái từ một cửa hàng nhỏ lẻ ở bất kỳ địa phương nào có thể đến với người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Lực lượng QLTT kiểm tra kho hàng lậu chuyên bán qua livestream

Lực lượng QLTT kiểm tra kho hàng lậu chuyên bán qua livestream

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ vừa tạm giữ gần 7.700 hộp mỹ phẩm Peel vi tảo nhãn hiệu Le'peau cùng hàng nghìn miếng mặt nạ Rwine beauty và 90 hộp mỹ phẩm Nhất Nam Dược nghi nhập lậu, chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Đáng chú ý, chủ lô hàng này chuyên bán livestream trên mạng xã hội, thông qua trang Facebook cá nhân. Bằng hình thức này, dù đây chỉ là một cửa hàng không lớn ở địa phương nhưng họ lại có khách hàng trên khắp cả nước.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, lực lượng QLTT TP HCM cũng tạm giữ hàng trăm nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu, trị giá khoảng 6 tỷ đồng được bán qua mạng xã hội. Người mua các sản phẩm này ở mọi miền đất nước.

Trên thực tế, hàng giả, hàng lậu được bán khá nhiều qua hình thức trực tuyến. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện, xử lý hàng chục kho hàng kinh doanh online vi phạm vì bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Tuy nhiên, số lượng vụ việc được xử lý dường như chỉ là “muối bỏ bể” trước những vi phạm trong thực tế.

Cùng là kinh doanh trực tuyến nhưng nguồn gốc hàng hóa bán qua mạng xã hội đang có phần nhộm nhoạm hơn so với hàng bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), bởi lẽ sàn TMĐT buộc phải có công cụ chặn lọc hàng giả, hàng lậu, hàng nhái theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước; Trong khi đó, xã mạng hội thì không cần thực hiện điều này. Lượng khách hàng tiếp cận lại rất đông đảo.

Đánh giá về tình hình buôn bán hàng giả, hàng lậu thông qua hình thức TMĐT, bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục TMTĐ&KTS (Bộ Công Thương) cho biết, các đối tượng kinh doanh ngày càng có thủ đoạn tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ nên lực lượng chức năng khó xác định được kho hàng.

Chia sẻ tại buổi đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" vừa được tổ chức, ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho hay, nếu như trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…

“Đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số, bởi hiện không chỉ có các nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn các nền tảng trung gian trực tuyến, tức đơn vị cung cấp dịch vụ đằng sau. Với tình hình đó, công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Việc đấu tranh không chỉ nằm trong cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như người sản xuất, người tiêu dùng”- ông Nguyễn Đức Lê nói.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương phải vào cuộc mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như: bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.