Khó khăn cuộc chuyển giao quyền lực Tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Việc êkíp tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết níu giữ hy vọng mong manh lật ngược tình thế đã rõ ràng bằng cách khởi động một cuộc chiến pháp lý có thể khiến cho tiến trình chuyển giao quyền lực sang chính quyền mới gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Tuyên bố giành chiến thắng nhưng ông Joe Biden có thể phải đối mặt với một tiến trình chuyển giao quyền lực không dễ dàng

Tuyên bố giành chiến thắng nhưng ông Joe Biden có thể phải đối mặt với một tiến trình chuyển giao quyền lực không dễ dàng

Níu giữ hy vọng mong manh

Êkíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông báo khởi động tiến trình pháp lý từ ngày 9-11 nhằm khiếu nại kết quả bầu cử mà các hãng thông tấn lớn nhất của Mỹ như AP, Fox News, CNN… dựa vào dữ liệu và tính toán của mình đã “xướng tên” cựu Phó Tổng thống Joe Biden là người chiến thắng việc giành được hơn 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri. Ông Joe Biden ngày 8-11 cũng đã chính thức lên tiếng tuyên bố chiến thắng.

Thế nhưng, Tổng thống Donald Trump đã phản đối chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden cũng như phản đối cách truyền thông Mỹ đưa tin về kết quả bầu cử Tổng thống. Ông Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Donald Trump, khẳng định đội ngũ vận động tranh cử của đương kim Tổng thống sẽ thúc đẩy các vụ kiện tại một loạt bang, bắt đầu từ ngày 9-11, đầu tiên là tại Pennsylvania, sau đó là Michigan hoặc Georgia.

Quyết tâm “chiến đấu đến cùng” của Tổng thống Donald Trump như được khẳng định thêm khi Đệ nhất phu nhân Melania Trump và Cố vấn cấp cao đồng thời là con rể của ông là Jared Kushner đã lên tiếng bác bỏ thông tin trước đó mà truyền thông Mỹ đưa rằng họ đã “khuyên ông Donald Trump nhận thua”. Tổng thống Donald Trump cùng êkíp tranh cử thân cận của mình đang có những động thái cho thấy muốn níu giữ những hy vọng mà giới phân tích cho rằng rất mong manh để đảo ngược tình thế mà chiến thắng rõ ràng đã nghiêng về phía ứng cử viên Joe Biden.

Cho tới cuối ngày 9-11 (theo giờ Việt Nam), êkíp của Tổng thống Donald Trump ngoài tuyên bố khởi động cuộc chiến pháp lý, chưa nói rõ sẽ dùng với biện pháp pháp lý nào. Trong khi đó, theo giới phân tích, Tổng thống Donald Trump có 3 cách để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến với hy vọng đảo ngược tình thế.

Cách thức đầu tiên và cũng đang được xem là khả thi nhất khi yêu cầu kiểm lại phiếu bầu cử Tổng thống, đặc biệt là tại các bang chiến trường có sự ganh đua rất sít sao về số phiếu của 2 ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden. Đây cũng là điều mà Tổng thống Donald Trump cùng êkíp tranh cử trông đợi nhất khi tuyên bố “mọi phiếu bầu hợp pháp - chứ không phải bất hợp pháp - phải được tính”. Tuy nhiên, giới phân tích đã nhắc đến thực tế là việc kiểm phiếu lại tại các bang chiến trường như Pennsylvania, Georgia, Michigan, North Carolina, Nevada và Arizona từ 20 năm nay không có cuộc kiểm phiếu lại nào dẫn đến thay đổi danh tính người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Êkíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump cũng có thể đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao về điều cho là “gian lận phiếu bầu” tại các bang ganh đua rất sít sao với số phiếu chênh lệch dưới 1%. Thế nhưng, các chuyên gia về chính trị Mỹ đánh giá, gian lận bầu cử rất hiếm xảy ra ở Mỹ và nếu không có bằng chứng hỗ trợ - điều mà cho tới nay êkíp tranh cử của ông Donald Trump vẫn chưa đưa ra được - rất ít cơ hội để Tòa án Tối cao thụ lý.

Cách thức cuối cùng là ông Donald Trump không chính thức lên tiếng thừa nhận thua cuộc. Song, theo luật pháp Mỹ, dù Tổng thống Donald Trump có tuyên bố thừa nhận thất bại hay không thì người thắng cử vẫn sẽ nhậm chức vào ngày 20-1-2021.

Đoàn kết ứng phó với thách thức chung của nước Mỹ

Việc Tổng thống Donald Trump không thừa nhận thua và tiếp tục cuộc chiến pháp lý đã gây khó cho tiến trình chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden. Theo quy định của luật pháp Mỹ, chính quyền sắp mãn nhiệm có trách nhiệm tạo điều kiện để người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống được bàn giao quyền lực một cách thuận tiện.

Tiến trình chuyển giao quyền lực sẽ chính thức được khởi động khi Giám đốc Cơ quan Dịch vụ tổng hợp của Mỹ (GSA) ký thư chuyển giao quyền lực cho người giành được hơn 270 phiếu đại cử tri. Thế nhưng, tới cuối ngày 9-11 (theo giờ Việt Nam), Giám đốc GSA Emily Murphy, người được chính quyền Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm - vẫn chưa ký bất cứ giấy tờ nào chuyển giao quyền lực cho nhóm tiếp nhận của ứng viên Joe Biden.

Dù chỉ là một cơ quan cấp thấp phụ trách các tòa nhà liên bang, nhưng GSA lại có nhiệm vụ ký các thủ tục giấy tờ sau khi có Tổng thống đắc cử để chuyển hàng triệu USD, trao quyền tiếp cận cho các quan chức chính phủ, chuyển giao các văn phòng và thiết bị cho nhóm chiến thắng… nhằm bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực. Thế nên, động thái này giống như tuyên bố chính thức từ chính phủ liên bang về tân Tổng thống.

Việc Giám đốc GSA chần chừ trong việc ký thư chuyển giao quyền lực với lý do “quá trình xác minh số phiếu của người chiến thắng đang diễn ra” có thể dẫn tới lần chuyển giao quyền lực Tổng thống chậm trễ đầu tiên kể từ năm 2000. Năm đó, việc Tòa án Tối cao quyết định kiểm lại phiếu do sự chênh lệch sít sao (chỉ 537 phiếu) giữa 2 ứng cử viên Al Gore và George W. Bush khiến việc chuyển giao quyền lực bị chậm trễ tới 37 ngày.

Với hàng loạt những thách thức đang đặt ra cho nước Mỹ cũng như ông Joe Biden hiện nay như ứng phó với đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 10 triệu người mắc bệnh, hơn 243 nghìn người tử vong và con số mắc mới vẫn vượt 100 nghìn trường hợp mỗi ngày; hồi phục nền kinh tế, tạo công ăn việc làm; điều chỉnh hàng loạt chính sách đối ngoại… bất kỳ một sự chậm trễ chuyển giao quyền lực nào cũng khiến những thách thức này thêm trầm trọng. Chỉ còn hơn 70 ngày nữa là tới lễ nhậm chức vào 20-1-2021 của tân Tổng thống Mỹ, rõ ràng êkíp chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden đang hết sức nóng lòng, sốt ruột về sự chậm trễ hiện nay.

Hiện trong nội bộ Đảng Cộng hòa có sự chia rẽ về việc nhận thua hay chúc mừng ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử. Bên cạnh những thành viên ủng hộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump, cho rằng việc chúc mừng ông Joe Biden là quá sớm thì đã có những thành viên, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush, lên tiếng chúc mừng ông Joe Biden.

Sau một quá trình tranh cử kéo dài gây rạn nứt và chia rẽ sâu sắc trong khi nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, cử tri và chính giới Mỹ đang muốn có một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ như là một cách thức để hàn gắn, đồng thời đoàn kết người dân, chung tay ứng phó thách thức chung của đất nước.