Khó được người tiêu dùng tin tưởng

ANTĐ - Làm thế nào để thị trường nội địa được người tiêu dùng tin cậy là câu hỏi không dễ trả lời khi mỗi ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngập tràn thông tin sản phẩm, dịch vụ không đạt chất lượng, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Nên hình thành chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Người tiêu dùng chưa được bảo vệ

Chị Hoàng Ánh - đại diện người tiêu dùng cho biết: “Tâm lý người tiêu dùng chúng tôi tin vào quảng cáo, nhất là quảng cáo trên các đài truyền hình có uy tín, phạm vi ảnh hưởng rộng. Tôi đã xem nhiều lời “có cánh” về hàng hóa trên một đài truyền hình quốc gia (người viết giấu tên), nhưng một thời gian sau, chính đài này lại phê bình sản phẩm của doanh nghiệp đó với lời lẽ đanh thép. Một thời gian sau, đài này lại đưa tin doanh nghiệp đã khắc phục sự cố và lại tiếp tục quảng cáo. Có quy trình nào buộc nhà đài phải thẩm định thông tin trước khi quảng cáo không, nếu còn để như vậy, người tiêu dùng còn bị móc túi”.

Thừa nhận thực tế này, bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) chia sẻ về những tồn tại trong việc giữ chữ “tín” của doanh nghiệp Việt Nam đối với người tiêu dùng. Ví dụ, trên trang web doanhnghieptincay.net trực thuộc AVR ngày 13-9, có tới 5/7 tin là tin “xấu” như: Hé lộ nguồn gốc bất ngờ của mực “lạ” giá siêu rẻ, phát hiện kẹo sữa mềm chứa Melamine tại Việt Nam… “Không ngày nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại không có thông tin tiêu cực về doanh nghiệp làm mất lòng tin của người tiêu dùng, chứng tỏ người tiêu dùng chưa được bảo vệ.” - bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét.

Liên quan đến vấn đề quảng cáo sản phẩm mà chị Hồng Ánh đề cập, Chủ tịch AVR chia sẻ: “Tôi biết Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nhận được rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng vì tin tưởng quảng cáo trên truyền hình. Trước đây, quy định quảng cáo có kẽ hở, các phương tiện truyền thông chỉ cần đưa tin, còn trách nhiệm về nội dung có trung thực hay không do doanh nghiệp sản xuất chịu. Nhưng hiện tại, trách nhiệm với thông tin này thuộc về đài truyền hình. Nếu chị bị xâm phạm về quyền lợi khi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ, chị có thể khiếu nại, nghiêm trọng hơn thì khởi kiện”. 

Khó đòi quyền lợi chính đáng

Không thỏa mãn với câu trả lời này, chị Hồng Ánh đề nghị bà Đinh Thị Mỹ Loan nói rõ về trách nhiệm của đài truyền hình như thế nào trong những vụ việc này. “Tôi nghe chị Loan nói ở trên, chính chị bị vi phạm quyền lợi nhưng có lần cũng không khiếu nại, vì không đi đến đâu. Vậy tôi mua nhầm phải bình sữa hỏng, mà đi “đôi co” với nhà đài thì không biết có nên không”? - chị Hồng Ánh đặt vấn đề. Trước đó, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho hay, bà nhiều lần bị xâm hại quyền lợi, có lần khiếu nại được bồi thường, giải quyết thỏa đáng; có lần bà bỏ qua vì “nghĩ không đi đến đâu”. 

Tham gia thảo luận, luật sư Dương Quốc Thành - công ty Luật VCI cho biết: “Quá trình thực hiện Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng vừa rồi, tôi thấy luật này chưa phát huy được hiệu quả bởi nhiều điều khoản khó thực thi”. Ví dụ, như khiếu kiện đông người, “nếu có khiếu kiện đông người, kể cả về hàng hóa, dịch vụ thì ở nước ta vẫn còn e dè” - ông Dương Quốc Thành chia sẻ.

Tham gia vào công tác biên soạn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Đinh Thị Mỹ Loan ví von, hiện nay, việc đưa luật vào cuộc sống là “con đường đau khổ”. Theo bà Chủ tịch AVR, khiếu nại của người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ trong tổng số các vi phạm. Phần lớn người tiêu dùng gặp phải trường hợp rủi ro này chỉ im lặng, tự cáu kỉnh và bực bội mà không sử dụng công cụ pháp lý để đòi quyền lợi chính đáng.