Khi Trung Quốc thành mục tiêu công kích của chính khách Mỹ

ANTĐ - Hoàn toàn không có thỏa thuận trước, nhưng hầu hết các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều nhắm tới Trung Quốc như một đối tượng công kích trong chiến dịch vận động tranh cử. Điều gì đằng sau “màn đồng ca” này?
Khi Trung Quốc thành mục tiêu công kích của chính khách Mỹ ảnh 1

Ứng cử viên M. Rubio là một trong những người lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc

Trong bài phát biểu tại bang Nam Carolina hôm 28-8 và bài viết trên Tạp chí phố Wall, ứng cử viên - nghị sĩ Marco Rubio đã chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề như bành trướng quân sự, tấn công mạng và sai lầm kinh tế. Nghị sĩ Marco Rubio gọi Trung Quốc là “nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ”.

Còn ứng cử viên S. Walker, Thống đốc bang Wisconsin, thì nhận xét: “Mỹ đang đối diện với sự sụp đổ của các thị trường xuất phát từ nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và còn do người Trung Quốc sử dụng mánh khóe kinh tế”. Ông Marco Rubio còn nhấn mạnh tới việc Trung Quốc đang bành trướng hung hăng và xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Có thể nói, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu công kích chính trong chiến dịch vận động tranh cử của nhiều ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Điều này phản ánh thực chất quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, khi sự cân bằng đã thay đổi, nhường chỗ cho sự nổi lên của yếu tố cạnh tranh. Không những thế, giờ đây, cạnh tranh không chỉ về chiến lược, mà là cuộc cạnh tranh toàn diện về thương mại, tư tưởng, chính trị, ngoại giao, công nghệ.

Thậm chí, ngay cả trong giới học thuật, khi mà Trung Quốc đã cấm một số học giả Mỹ và đang bắt đầu gây áp lực đối với các đại học liên doanh tại nước này, thì chuyện các học giả Mỹ khó chấp nhận kiểu hành xử của Trung Quốc, rồi phản ứng lại là đương nhiên.

Không tin tưởng lẫn nhau còn là tình trạng phổ biến trong suy nghĩ của người dân hai nước. Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew về thái độ toàn cầu, trong năm 2013, sự mất lòng tin lẫn nhau gia tăng ở cả hai quốc gia. Khoảng hai phần ba người dân hai nước xem quan hệ Mỹ – Trung là “cạnh tranh” và “không đáng tin” – một sự thay đổi đáng kể so với năm 2010, khi phần lớn người dân hai nước vẫn có quan điểm tích cực về bên còn lại.

Đằng sau tình trạng phức tạp này là hàng loạt các vấn đề, mà trước hết là trong lĩnh vực kinh tế. Những bất đồng, căng thẳng xuất hiện ngày một nhiều, nhất là giai đoạn từ năm 2005 cho đến nay. Trung Quốc hết bị Mỹ cáo buộc là quốc gia thao túng tiền tệ khi bất ngờ phá giá mạnh đồng nhân dân tệ, đến vi phạm bản quyền, rồi tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu quân sự mật, thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ cùng hàng tỉ USD về sở hữu trí tuệ…

Nóng nhất là những mâu thuẫn về thương mại, mà nguyên nhân là xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ ngày một tăng lên. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung tăng trưởng rất mạnh sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa vào cuối thập niên 1970, nhưng căng thẳng giữa hai bên cũng tăng theo khi Trung Quốc luôn tìm cách giành thặng dư thương mại khổng lồ. Năm ngoái, Trung Quốc xuất sang Mỹ 337,8 tỉ USD giá trị hàng hóa, nhưng lại nhập từ Mỹ chỉ có 69,7 tỉ USD.

Chính vì thế mà thế giới lúc nào cũng trong tình trạng lo ngại một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ nổ ra, một khi quốc gia này sử dụng các biện pháp để hạn chế nước kia thì bị trả đũa và ngược lại.

Trong lĩnh vực an ninh, sự nổi lên của Trung Quốc đang đe dọa vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương và các khu vực trên thế giới. Washington ngày càng lo ngại với các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, khi Trung Quốc không ngừng tôn tạo các đảo đá, biến nó thành những cơ sở có khả năng phục vụ nhiệm vụ quân sự, hoặc từ đó mà tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, làm gián đoạn các tuyến đường giao thông trên biển và hàng không trong khu vực…

Có thể nói quan hệ Mỹ – Trung là mối quan hệ quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế bởi vai trò và tầm ảnh hưởng của hai quốc gia này. Nhưng hiện tại, mối quan hệ đó đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất trên thế giới cũng như trên chính trường Mỹ trước bầu cử.