Khi thành quận, Đông Anh sẽ có diện mạo của đô thị hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những đô thị hiện đại, hạ tầng đột phá, các trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, thương mại và giao dịch quốc tế với điểm nhấn là tháp tài chính cao 108 tầng là diện mạo mới của Đông Anh khi trở thành quận…

Đô thị với quy mô hơn 1,1 triệu dân

Huyện Đông Anh (diện tích khoảng 185,6 km2, dân số khoảng 420.000 người) là cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội và được coi là khu vực phát triển đô thị mới. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua, nối trung tâm Hà Nội với Thái Nguyên và Lào Cai; có đường cao tốc nối trung tâm Hà Nội đi sân bay quốc tế Nội Bài, cửa ngõ thông thương quốc tế; có Quốc lộ 3 và các tuyến đường đi các tỉnh phía Bắc, kết nối thuận lợi với các cảng biển. Sự thuận lợi về giao thông sẽ là tiền đề cho sự phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội của huyện, là hạt nhân của việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa của các huyện Bắc sông Hồng, hình thành đô thị mới trong tương lai.

Phối cảnh dự án “Thành phố thông minh” và điểm nhấn “Tháp tài chính 108 tầng” ở Đông Anh

Phối cảnh dự án “Thành phố thông minh” và điểm nhấn “Tháp tài chính 108 tầng” ở Đông Anh

Về diện mạo của Đông Anh trong tương lai gần, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, huyện Đông Anh tập trung quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng: Là trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, giao dịch quốc tế; là trung tâm du lịch sinh thái và thể thao vui chơi giải trí của thành phố; khu Công viên Bảo tồn văn hóa lịch sử di tích thành Cổ Loa; công nghiệp kỹ thuật cao, nghiên cứu và phát triển. Quy mô dân số theo quy hoạch dự báo khoảng hơn 1,1 triệu dân (tương đương quy mô dân số thành phố loại 1).

Để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP đã phê duyệt 15/15 đồ án Quy hoạch phân khu: N1, N3, N4, N5, N6, N7, N8, N9, GN, GN (A), GN (B), GN (C), GN (ĐB) (Khu di tích Cổ Loa), sông Hồng và sông Đuống... làm cơ sở để quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, đất đai và các dự án đầu tư xây dựng. Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài là tuyến đường quan trọng của thành phố nói chung và huyện Đông Anh nói riêng, đã được UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù, UBND TP Hà Nội đã giao các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm hai bên tuyến đường như Thành phố thông minh, Công viên Kim Quy... Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có những dự án trọng điểm như khu trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho biết thêm, những chủ trương, định hướng mới đối với huyện Đông Anh như: Ngày 31-5-2019, Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 1973-TB/TU đồng ý chủ trương việc đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận trong giai đoạn 2020-2025. Ngày 5-5-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nội dung chỉ đạo liên quan đến công tác quy hoạch: “Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn)”.

Đông Anh đang có nhiều đột phá về hạ tầng

Đông Anh đang có nhiều đột phá về hạ tầng

Theo nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16-6-2023, định hướng nghiên cứu các giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: Trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên đường Vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng... Huyện Đông Anh dự kiến sẽ được quy hoạch 100% diện tích đất tự nhiên là khu vực phát triển đô thị. “Đông Anh là một đơn vị hành chính rất quan trọng của thành phố, được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Điểm nhấn thành phố thông minh

Mới đây, chiều 7-8-2023, UBND huyện Đông Anh phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị công bố công khai điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án Thành phố thông minh giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Theo quyết định được phê duyệt, dự án Thành phố thông minh nằm ngay chân cầu Nhật Tân, trên trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài của Thủ đô Hà Nội, thuộc địa bàn huyện Đông Anh, có tổng diện tích 272ha, số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD. Chủ đầu tư là liên doanh Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh như năng lượng thông minh, giao thông thông minh, cộng đồng thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh, y tế thông minh và kinh tế thông minh. Thành phố dự kiến sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt, công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của Hà Nội. Điểm nhấn của Thành phố thông minh này sẽ là tòa tháp tài chính cao 108 tầng. Tòa tháp này sẽ trở thành tòa tháp cao nhất Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

Tại hội nghị, ông Fujikawa Eita - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sumitomo Corporation Vietnam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội khẳng định, sẽ nỗ lực khởi công hạ tầng kỹ thuật của tháp tài chính trong năm 2023. “Mô hình Thành phố thông minh nằm trong Thành phố Bắc sông Hồng thuộc Thủ đô (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) là điểm đặc biệt của Hà Nội” - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn khẳng định.

Với trục giao thông hiện đại, đột phá về hạ tầng, có nhiều lợi thế về kết nối, những dự án lớn đang triển khai sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đông Anh nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung, đồng thời kết nối lan tỏa phát triển cho các địa phương lân cận trong vùng. Khi trở thành quận, Đông Anh sẽ có diện mạo đô thị hiện đại phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô…