Khi phụ huynh 'quên' đội mũ bảo hiểm đưa con em đến trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực tế hiện nay, không ít phụ huynh đưa con em đến trường nhưng bản thân lại “quên” đội mũ bảo hiểm. Điều này vô hình trung đang gây ra một tác động tiêu cực trong giáo dục học sinh chấp hành luật lệ ATGT, đồng thời gây nguy cơ TNGT khó lường.

Nhiều lý do “quên” đội mũ bảo hiểm

“Thật ra, từ nhà mình sang trường cũng khá gần nên nhiều lúc tiện lấy xe chở con đi học mà không đội mũ bảo hiểm. Nếu trường ở xa thì mình cũng đội”... “Biết là không đúng, vi phạm luật ATGT đấy nhưng mà hôm nay vội quá, chỉ sợ con muộn học nên tớ quên mũ...”; “Đầy người đi đường không đội mũ bảo hiểm sao không hỏi, tôi chở con đi học mà nhà cách trường có mấy trăm mét thôi chứ xa xôi gì đâu mà phải đội mũ bảo hiểm?!”…

Đó là những lý do các bậc phụ huynh học sinh đưa ra khi được hỏi về lý do tại sao không đội mũ bảo hiểm khi đưa con em đến trường. Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô tại khu vực cổng các trường học thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân - Hà Nội cho thấy, tình trạng này dù không phổ biến nhưng cũng không phải ít.

Nhiều phụ huynh lấy lý do nhà gần nên không cần đội mũ bảo hiểm

Nhiều phụ huynh lấy lý do nhà gần nên không cần đội mũ bảo hiểm

Thậm chí, nhiều cha mẹ chở con em đi học không những không đội mũ bảo hiểm còn lách tay lái “điền vào chỗ trống” giữa những làn xe đông đúc, hay lao thẳng lên vỉa hè đi cho nhanh, hoặc chở 3, 4 cháu cùng lúc và cũng… không đội mũ bảo hiểm. Bố mẹ không đội mũ bảo hiểm, thì tất nhiên những đứa trẻ ngồi phía sau cũng không mũ.

Trong khi đó, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông cao, ai cũng muốn chen lên phía trước nên rất dễ xảy ra va chạm. Chỉ cần một cú va nhẹ cũng đều có thể dẫn tới tai nạn giao thông. Vậy nhưng, có lẽ đối với những bậc phụ huynh này, họ chưa từng nghĩ tới tình huống xấu đó.

Không mũ bảo hiểm, nhưng vị phụ huynh này vẫn cố gắng lách vào các làn đường để kịp giờ con đến trường, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra

Không mũ bảo hiểm, nhưng vị phụ huynh này vẫn cố gắng lách vào các làn đường để kịp giờ con đến trường, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra

Thêm vào đó, việc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm đưa con em đến trường có thể gây tác động tiêu cực lên nhận thức, hành vi của các em học sinh.

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội nhìn nhận: “Gia đình là tế bào của xã hội. Một xã hội muốn tốt thì mỗi tế bào phải tốt. Việc phụ huynh học sinh không chấp hành luật lệ an toàn giao thông như hành vi không đội mũ bảo hiểm để đưa con em đi học có tác động xấu đến nhận thức của các cháu. Thực tế trẻ em như một tờ giấy trắng. Các cháu không chỉ học ở thầy cô, bạn bè, nhà trường mà còn học từ chính những người cha, người mẹ, người thân thiết ở xung quanh. Nếu chúng ta không nghiêm chỉnh chấp hành, thì có thể khiến các cháu thấy việc không đội mũ bảo hiểm là bình thường”.

Không đội mũ bảo hiểm và thậm chí... "kẹp 5"

Không đội mũ bảo hiểm và thậm chí... "kẹp 5"

Thật vậy, gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên của trẻ nhỏ. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu lên nhận thức, ý thức của các con. Do vậy, để con trẻ phát triển tốt và đúng hướng thì ngay từ bé cha mẹ phải trở thành tấm gương cho các con noi theo.

“Đi ra đường là tôi đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, nhất là lúc chở con. Ngay cả hộp sữa hay gói xôi con ăn xong tôi cũng tìm thùng rác để cho vào, từ đó giáo dục con về việc bảo vệ môi trường sạch, đẹp. Theo tôi, các bậc phụ huynh nên dạy con từ chính hành động, việc làm của mình, đó là cách giáo dục tốt nhất” - Chị M.A (36 tuổi), ở quận Cầu Giấy bày tỏ.

Tập trung xử lý nghiêm vi phạm

Vi phạm giao thông là quá rõ ràng, nhưng có một thực tế là, không ít trường hợp phụ huynh không đội mũ bảo hiểm chở con em đến trường khi bị CSGT dừng xe xử lý thì “xin xỏ”, lấy lý do vội đưa con đi học. Đa số đối với những trường hợp này, cán bộ chiến sĩ CSGT đều chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để phụ huynh rút kinh nghiệm, đồng thời cũng là cách giáo dục đến các cháu học sinh.

Về vấn đề này, Chỉ huy Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, đã quán triệt đến cán bộ chiến sĩ tập trung xử lý, tránh cả nể. “Chúng tôi có thể tạo điều kiện bằng cách lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, sau đó để phụ huynh tiếp tục đưa con em đến trường, không để ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu. Tuy nhiên sau đó, phụ huynh phải quay lại nộp phạt và cam kết chấp hành”.

Hành vi của người lớn sẽ phản chiếu lên sự nhận thức của trẻ nhỏ

Hành vi của người lớn sẽ phản chiếu lên sự nhận thức của trẻ nhỏ

Không chỉ đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm của phụ huynh, học sinh mà tất cả các hành vi vi phạm khác đều ảnh hưởng tới việc giáo dục trẻ nhỏ. Do vậy, thời gian tới, Phòng CSGT Công an Thủ đô sẽ chủ động phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã và các nhà trường tuyên truyền sâu rộng tới phụ huynh và học sinh. Đồng thời vận động phụ huynh học sinh ký cam kết ba bên gồm nhà trường, học sinh và phụ huynh thực hiện nghiêm luật lệ an toàn giao thông.

Và rõ ràng có rất nhiều học sinh điều khiển phương tiện đến trường cũng không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm. Phải chăng người lớn chưa làm gương sáng cho các em học tập!

Và rõ ràng có rất nhiều học sinh điều khiển phương tiện đến trường cũng không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm. Phải chăng người lớn chưa làm gương sáng cho các em học tập!

Thiếu tá Đào Việt Long cũng thông tin, trước khi vào năm học, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã điều tra cơ bản, thống kê số lượng trường học các cấp từ mầm non đến đại học, có bao nhiêu trường ở các mặt phố tuyến chính mà có hiện tượng phụ huynh đưa con em đến trường và học sinh đi học dẫn tới ùn tắc giao thông. Ngoài ra, điều tra cơ bản số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên và giáo viên trong thời gian qua theo Điện mật của Cục CSGT - Bộ Công an.

Trên cơ sở đó, Phòng CSGT đã đề xuất CATP phối hợp với UBND rà soát lại hệ thống biển cảnh báo, nhất là ở các trường trên tuyến phố chính và làm các gờ giảm tốc để các phương tiện đi qua chú ý;

CATP ra văn bản chỉ đạo công an phường sở tại trong các giờ cao điểm, giờ các cháu đi học và tan học phải bố trí lực lượng Cảnh sát trật tự phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông; Tại các ngã 3, 4 bố trí lực lượng CSGT cắm chốt làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe.

Về phía nhà trường, cần bố trí các điểm để phụ huynh học sinh đưa đón con em không ảnh hưởng tới giao thông, đảm bảo an toàn là trên hết.

“Chúng tôi rất mong các bậc phụ huynh chấp hành nghiêm luật lệ an toàn giao thông, nhất là việc đội mũ bảo hiểm, vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và các cháu, vừa giáo dục bằng việc làm cụ thể, để các cháu có nhận thức đúng đắn nhất khi tham gia giao thông” - Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội bày tỏ.