Khi người dân tham gia tố giác vi phạm trật tự, an toàn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công an Hà Nội đã và đang tích cực triển khai xây dựng và cụ thể hóa các nội dung của phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông”. Đi vào đời sống, phong trào chắc chắn sẽ trở thành kênh thông tin hữu ích, giúp lực lượng công an nói chung, Cảnh sát giao thông Thủ đô nói riêng nắm bắt, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần nâng cao văn hóa giao thông trên toàn thành phố.

Mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”

Trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục được duy trì ổn định. Tình trạng vi phạm giao thông chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, xe tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, đi vào đường cấm, đi ngược chiều… - những hành vi vi phạm “nóng” được dư luận xã hội quan tâm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT), gây thiệt hại đến kết cấu, hạ tầng giao thông.

Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng công an mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông, còn có sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân bằng cách phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, làm cơ sở để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Một trong số các hành vi vi phạm người dân cần nhận diện, tố giác là việc phương tiện chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng

Một trong số các hành vi vi phạm người dân cần nhận diện, tố giác là việc phương tiện chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng

Cách đây không lâu, trong buổi tiếp đoàn công tác của Bộ Công an làm việc về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự đô thị (TTĐT) trên địa bàn thành phố, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh: “Để giải quyết tình trạng vi phạm TTATGT, TTĐT, nếu chỉ CATP Hà Nội thì không thể giải quyết được triệt để mà phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn thể nhân dân. Do vậy, cần phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác các vi phạm giao thông để lực lượng chức năng kịp thời xử lý”.

Ý tưởng này đã được CATP Hà Nội cụ thể hóa bằng việc tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch về xây dựng và phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông”.

Mục đích là thống nhất, đồng bộ các biện pháp, giải pháp. Trọng tâm là vận dụng triệt để thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong công tác bảo đảm TTATGT gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng Cảnh sát giao thông trong công tác bảo đảm TTATGT; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm ANTT nói chung và bảo đảm TTATGT; tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT.

Phong trào cũng nhằm huy động sự vào cuộc, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT. Phát huy vai trò của lực lượng Cảnh sát giao thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng ý thức, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về ATGT, chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm TTATGT cho Phòng Cảnh sát giao thông kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hình thành ý thức chấp hành, tự giám sát, nhắc nhở, phản ánh...

“Chúng tôi cho rằng, đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm khơi dậy tinh thần, ý thức tự giác chấp hành Luật An toàn giao thông trong mỗi người dân. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng trở thành “tai, mắt” của lực lượng Công an, đặc biệt là Cảnh sát giao thông. Bản thân công dân hình thành ý thức chấp hành và tự giám sát, nhắc nhở, phản ánh, như vậy sẽ góp phần nâng cao văn hóa giao thông, vừa hạn chế ùn tắc, TNGT và giảm thiểu các vụ việc như đánh nhau, gây rối… sau những va chạm giao thông” - Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đánh giá.

Ông Lê Ngọc Minh (63 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: “Thực tế, có nhiều trường hợp vi phạm trên đường mà không phải lúc nào, điểm nào cũng có Cảnh sát giao thông. Khi người dân phát hiện, quay clip hoặc chụp ảnh tố giác đến cơ quan công an thì đó sẽ là căn cứ để xử lý. Tôi nghĩ đây là việc nên làm và cần phổ biến rộng rãi để người dân nắm được”.

Người dân quay clip, gửi ảnh vi phạm để lực lượng CSGT có căn cứ xác minh, xử lý

Người dân quay clip, gửi ảnh vi phạm để lực lượng CSGT có căn cứ xác minh, xử lý

Cùng ý kiến, chị Quách Thu Trang (35 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Có lần phát hiện ô tô vượt đèn đỏ suýt va chạm với xe máy sang đường, tôi đang cầm điện thoại nên đã chụp ảnh và gửi về trang Fanpage của CATP Hà Nội. Nếu mọi người dân đều có tinh thần tố giác sai phạm như vậy thì tình trạng vi phạm giao thông trên địa bàn Thủ đô sẽ giảm dần”.

Theo kế hoạch, phong trào toàn dân tố giác vi phạm giao thông sẽ tập trung vào các hành vi sau: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; hoạt động không đúng thời gian quy định (bao gồm cả xe chở rác); xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc; ô tô, xe máy lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khác, mất trật tự, an toàn xã hội...

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội phân tích: “Trong những dịp nghỉ lễ, Tết, lưu lượng người đi lại tăng cao, đặc biệt là các xe khách thường lợi dụng để “nhồi nhét”, tăng giá vé hoặc đón, trả khách dọc đường, gây nguy hiểm cho người dân. Do vậy, trong trường hợp hành khách đi xe phát hiện vi phạm, có thể quay clip hoặc chụp ảnh gửi về Phòng Cảnh sát giao thông, chúng tôi ngay lập tức có thể chỉ đạo lực lượng quản lý địa bàn nơi xảy ra vi phạm kiểm tra, xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người đi xe”.

Trên thực tế, người dân phát hiện các vi phạm giao thông, thông tin phản ánh đều được tiếp nhận qua số đường dây nóng của Phòng Cảnh sát giao thông hoặc Facebook “Công an thành phố Hà Nội”. Ngay khi triển khai phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông”, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ triển khai, quản lý, vận hành trang mạng xã hội Zalo dưới tên “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội” để chủ động tiếp nhận thông tin, phản ánh của nhân dân. Đồng thời phản hồi kết quả xử lý cũng như các mặt công tác chuyên môn khác bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông khẳng định: “Thông tin phản ánh của nhân dân về vi phạm TTATGT sẽ được cán bộ trực tiếp nhận, phân loại, xử lý theo và bảo mật tuyệt đối danh tính cá nhân người phản ánh. Sở dĩ chúng tôi cần người dân khi phản ánh cung cấp thông tin cá nhân để trong trường hợp cần xác minh, làm rõ, thì cơ quan công an có thể liên hệ để phối hợp.

Chính vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của người dân. Đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào, chúng tôi sẽ báo cáo đề xuất khen thưởng. Trường hợp lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Hướng dẫn người dân phương pháp nhận biết, thu thập, cung cấp thông tin về hành vi vi phạm

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, để phong trào đạt hiệu quả cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm để việc thu thập, cung cấp thông tin bảo đảm chính xác. Các hình thức tuyên truyền được triển khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, mạng xã hội: Zalo, Facebook, Cổng thông tin điện tử của CATP, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã…; niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức và khu dân cư; in, dán logo trên các phương tiện giao thông công cộng; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị, đoàn thể, câu lạc bộ tại các khu dân cư, tổ dân phố; công tác nắm, quản lý địa bàn của lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã...; tổ chức treo băng rôn, hình ảnh, pa-nô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, tài liệu khuyến cáo, cẩm nang, phóng sự, video clip tuyên truyền…

Với việc triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông”, không chỉ lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô mà kế hoạch này cũng được phổ biến, quán triệt đến từng công an các quận, huyện, thị xã. Từ đó, các đơn vị tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân thông qua các hội, nhóm, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát khu vực. Hy vọng, phong trào này sẽ được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, tích cực để vi phạm giao thông giảm dần, nâng cao hình ảnh, văn hóa giao thông của Thủ đô, góp phần đảm bảo an toàn cho mỗi người dân khi ra đường.