Khi người dân đồng lòng cùng chính quyền chung tay 'dọn dẹp' vỉa hè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có lẽ, lập lại trật tự đô thị tại Hà Nội đang được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế đa số vẫn chỉ đơn độc lực lượng chức năng vào cuộc. Vậy đến khi nào trật tự đô thị mới thực sự được lập lại đúng nghĩa? Chắc chắn điều này phụ thuộc vào chính người dân, nếu họ cùng đồng lòng với chính quyền dẹp “loạn” vỉa hè.

Nhìn nhận những tồn tại

Không quá phức tạp về trật tự đô thị như một số địa bàn khác ở quận Cầu Giấy, song thấy những vi phạm liên quan đến lấn chiếm lòng đường, hè phố lại mang khá nhiều yếu tố khách quan. Ghi nhận tại tuyến phố Cầu Giấy, đây là nơi có mật độ giao thông luôn ở mức cao, bởi là trục chính kết nối các huyện ngoại thành vào trung tâm Hà Nội.

Dọc hai bên đường, việc kinh doanh buôn bán của người dân khá tấp nập. Quan sát bình thường cũng có thể nhận ra việc quy hoạch xây dựng trước kia không đồng bộ, nơi vỉa hè rộng, nơi thì lại quá hẹp. Rộng thì còn có thể kẻ vẽ vạch sơn, yêu cầu người dân sắp xếp phương tiện đúng quy định, vậy những điểm vỉa hè hẹp thì làm thế nào?

Chiến sĩ Cảnh sát trật tự bóc từng tờ quảng cáo dán tại các bốt điện, gây mất mỹ quan đô thị

Chiến sĩ Cảnh sát trật tự bóc từng tờ quảng cáo dán tại các bốt điện, gây mất mỹ quan đô thị

Có khi nào việc tháo dỡ các biển quảng cáo này phải để chính các hộ kinh doanh thực hiện như một biện pháp tuyên truyền?

Có khi nào việc tháo dỡ các biển quảng cáo này phải để chính các hộ kinh doanh thực hiện như một biện pháp tuyên truyền?

“Chúng tôi kinh doanh ở đây, không thể bảo đi phương tiện công cộng đến cửa hàng, hay đi tìm nơi gửi xe ở xa tít tắp được. Nếu lực lượng chức năng bố trí hợp lý, chúng tôi nhất quyết nói không với vi phạm” - Chị N.T.H., chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Cầu Giấy nêu ý kiến.

Chung quan điểm với chị H., chị H.R. ở quận Nam Từ Liêm nói: “Không thể bảo tôi gửi ô tô tận bãi xe ở đường Nguyễn Khánh Toàn, rồi đi bộ cả cây số sang đường Cầu Giấy mua đồ được. Làm như vậy khác nào đánh đố người dân?”.

Lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố luôn hỗ trợ đắc lực cho chính quyền và Công an làm sạch phố phường

Lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố luôn hỗ trợ đắc lực cho chính quyền và Công an làm sạch phố phường

Đông là thế, nhưng đường Cầu Giấy thuộc địa phận phường Quan Hoa không có cầu vượt dành cho người đi bộ. Do vậy, gửi xe một nơi, mua sắm một nơi mà cơ sở hạ tầng giao thông thiếu như vậy cũng là nguy hiểm và nếu xảy ra sự cố, ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Đó chính là ý kiến của số đông người dân khi được hỏi.

Cán bộ Công an phường Quan Hoa cho biết, tuyến phố Cầu Giấy vừa đông, mà điểm quay đầu xe cũng khá xa nên nhiều người bất chấp nguy hiểm đi xe ngược chiều. Lực lượng Công an phạt thì lần sau sẽ… để ý, có Công an thì đi đúng đường, mà vắng lại tiếp tục vi phạm. Rõ ràng, chỉ một tuyến phố thôi nhưng đủ thứ bất cập.

Không phải ngẫu nhiên lực lượng chức năng lại vất vả như vậy, nên mỗi người dân cần tự ý thức trách nhiệm xây dựng Thủ đô xanh-sạch-đẹp hơn

Không phải ngẫu nhiên lực lượng chức năng lại vất vả như vậy, nên mỗi người dân cần tự ý thức trách nhiệm xây dựng Thủ đô xanh-sạch-đẹp hơn

Đối với việc lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, có lẽ phường Quan Hoa cũng như bất cứ địa bàn nào khác. Tiền thuê cửa hàng đắt đỏ, cộng thêm tâm lý cứ bày ra càng được chú ý càng dễ bán, nên nhiều người cứ tự nhiên lấn dần, khiến diện tích lưu thông bị thu hẹp, chỉ cần một chiếc ô tô di chuyển qua những điểm này là ùn ứ.

Ông Lê Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND phường Quan Hoa trao đổi thẳng thắn, người dân của phường thậm chí những ngày đầu còn phản ứng, không ít người… mắng lại chính quyền và lực lượng làm nhiệm vụ.

Nếu không phải vì người dân, liệu có ai muốn căng mình ngày-đêm dọn dẹp khắp các tuyến phố?!

Nếu không phải vì người dân, liệu có ai muốn căng mình ngày-đêm dọn dẹp khắp các tuyến phố?!

“Chủ trương của TP cũng như Ban Chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy trong triển khai lập lại trật tự đô thị là rất đúng đắn. Chúng tôi xác định phải trao cho người dân quyền giám sát lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và giám sát lẫn nhau, duy trì trong thời gian dài sẽ ngày một chuyển biến tích cực lên” - Ông Lê Mạnh Tiến nói.

Đặt người dân ở vị trí trung tâm

Rõ ràng, việc lập lại trật tự đô thị không nhằm mục đích hướng tới lợi ích của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà chính là phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân. Lòng đường, vỉa hè thông thoáng, không ùn tắc; hay bục bệ, mái che mái vẩy được dỡ bỏ; và cả những khu vực thiếu vệ sinh khi người dân vứt rác bừa bãi được dọn sạch… có phải đã mang lại môi trường sinh sống an toàn, xanh-sạch-đẹp cho người dân?!

“Ban đầu, tôi thấy mấy cửa hàng bên cạnh đều thực hiện một cách đối phó, vì ai cũng nghĩ không bày ra người mua biết mình có gì mà hỏi. Nhưng đúng là có lúc đường tắc, lại tắc đúng chỗ nhà mình thì cũng chẳng có lối cho khách vào mua” - Chị Đào Thị Hoài Anh, chủ cơ sở kinh doanh đồ gia dụng trên phố Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa chia sẻ.

Khi người dân tự giác chấp hành, đường phố trở nên thông thoáng, sạch đẹp

Khi người dân tự giác chấp hành, đường phố trở nên thông thoáng, sạch đẹp

Chị Hoài Anh cũng nói thêm, khi tất cả cùng sắp xếp gọn gàng, ai cũng như ai lại thấy đường phố thông thoáng, sạch đẹp, mà cũng đỡ phải nhìn trước ngó sau... "Để tránh bị nhắc nhở, chúng tôi bảo nhau nhà nào bày ra thì mình nhắc, vì khi lực lượng chức năng đến mình cũng xấu hổ vì vi phạm".

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Hằng, hộ kinh doanh tại ngõ 92 phố Nguyễn Khánh Toàn, bị xử phạt vi phạm chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh dịch vụ ăn uống. Lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tìm cách đối phó nên buộc phải xử phạt để răn đe.

“Thực tế, việc xử phạt là biện pháp cuối cùng, nhưng cũng mang lại một lợi ích khi người dân sau đó lại được trao quyền giám sát. Họ giám sát lực lượng chức năng xem có ưu tiên, hoặc lờ đi cho cá nhân, tổ chức nào vi phạm hay không, hoặc giám sát lẫn nhau để khi có trường hợp vi phạm sẽ báo cho tổ công tác ở cơ sở, từ đó báo lên nhóm Ban chỉ đạo 197 phường xử lý” - Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa trao đổi.

Khi người dân đồng lòng cùng chính quyền chung tay 'dọn dẹp' vỉa hè ảnh 8

Đối với các biển, bảng quảng cáo là tài sản người dân, UBND phường cũng ra thông báo để họ lên nộp phạt, ký cam kết và nhận lại chứ lực lượng chức năng không tịch thu

Bên cạnh đó, Bà Nguyệt Ánh cũng thông tin thêm, để tránh việc người dân cho rằng lực lượng chức năng xâm phạm tài sản như biển bảng quảng cáo, cầu dẫn… khi cán bộ tháo dỡ các điểm vi phạm, sẽ yêu cầu đại diện cửa hàng, cơ sở kinh doanh, hoặc người chứng kiến ký biên bản, đồng thời ra thông báo đề nghị chủ cơ sở lên nộp phạt, sau đó ký cam kết chấp hành và mang tài sản về.

“Đây là việc tôn trọng người dân, đặt bà con ở vị trí trung tâm, vì triển khai thực hiện kế hoạch cũng nhằm mục đích phục vụ người dân. Do vậy, đối với những gì là tài sản của bà con, chúng tôi không tịch thu, mà tạo điều kiện để họ nhận lại tài sản dù vi phạm, cũng là cách tuyên truyền đến từng người dân, hộ kinh doanh trong việc chấp hành” - Bà Nguyệt Ánh phân tích.

Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và giám sát chặt chẽ bởi chính người dân xung quanh

Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và giám sát chặt chẽ bởi chính người dân xung quanh

Về phía Công an phường Quan Hoa, đơn vị giao trách nhiệm cho từng cán bộ Cảnh sát trật tự, trên cơ sở quản lý địa bàn, phải tuyên truyền và nêu rõ quan điểm, chủ trương của TP, quận và phường, để người dân thấy được quyền lợi đi kèm trách nhiệm của bản thân mà chấp hành.

Một "chiến dịch" dài hơi để duy trì, mong người dân sẽ ủng hộ, cùng thực hiện vì môi trường đô thị ngày một văn minh hơn

Một "chiến dịch" dài hơi để duy trì, mong người dân sẽ ủng hộ, cùng thực hiện vì môi trường đô thị ngày một văn minh hơn

Ông Lê Mạnh Tiến khẳng định, lập lại TTĐT không thực hiện trong ngày một, ngày hai mà có thể thay đổi, phải duy trì đều đặn và bền bỉ, lâu dài.