Khi nào nên dùng thực phẩm bổ sung?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sử dụng thực phẩm bổ sung có thực sự cần thiết đối với sức khỏe? Vậy khi nào nên dùng thực phẩm bổ sung và nên dùng loại nào?

Thực phẩm bổ sung là các sản phẩm được sản xuất có các thành phần bổ sung dưỡng chất như vitamin, khoáng chất, acid amin, các chất chống oxy hóa hoặc các hợp chất khác mà người dùng có thể không được cung cấp đủ từ chế độ ăn uống hàng ngày. Chúng có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên nén, viên nang, kẹo, bột, đồ uống, thanh năng lượng, enzyme, sản phẩm thảo dược... Dưới đây là một số loại thực phẩm bổ sung phổ biến.

Thực phẩm bổ sung có thể có lợi cho sức khỏe, nhưng cũng có thể gây ra rủi ro

Thực phẩm bổ sung có thể có lợi cho sức khỏe, nhưng cũng có thể gây ra rủi ro

Vitamin C, E cho sức khỏe làn da

Làn da của chúng ta trở rất dễ bị tổn thương do quá trình lão hóa, lối sống không lành mạnh, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, chế độ ăn uống và hệ thống miễn dịch kém. Khi đó nên bổ sung những loại vitamin có tác dụng cải thiện sức khỏe làn da như vitamin A, C, E… Collagen là một chất bổ sung khác tốt da bằng cách giúp chữa lành vết thương và giữ cho làn da đàn hồi khỏe mạnh.

Vitamin B ngăn ngừa mệt mỏi

Vitamin B như vitamin B12 và folate rất quan trọng cho quá trình trao đổi chất, ngăn ngừa mệt mỏi và tăng cường chức năng nhận thức. Những người chỉ ăn thực phẩm thực vật, không ăn thịt (ăn chay hoặc thuần chay) có nhiều khả năng bị thiếu vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 do đó nên bổ sung. Ngay cả khi tiêu thụ lượng vitamin B cần thiết hàng ngày vẫn có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin B12 do sử dụng thuốc hoặc tình trạng sức khỏe làm suy giảm sức khỏe đường ruột.

Canxi và vitamin D cho sức khỏe xương

Hai trong số những chất bổ sung tốt nhất để giữ cho xương chắc khỏe, giảm nguy cơ mất xương, gãy xương là canxi và vitamin D. Canxi khi được tiêu thụ cùng lúc với các chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin D và magie đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim, loãng xương…

Acid béo omega-3 giúp chống viêm

Nên dùng thực phẩm bổ sung omega-3 nếu bạn muốn giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, trí não hoạt động tốt và trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều tốt nhất là nên bổ sung theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ.

Kẽm tăng cường hệ miễn dịch

Sự thiếu hụt kẽm dễ ảnh hưởng đến tăng trưởng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, rụng tóc, tổn thương mắt, da, chán ăn, suy giảm khả năng miễn dịch. Cơ thể không sản xuất kẽm một cách tự nhiên được mà thu nhận thông qua các thực phẩm hoặc dùng chất bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.

Probiotic hỗ trợ sức khỏe đường ruột

Probiotic là vi khuẩn lót đường tiêu hóa, hỗ trợ khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và chống nhiễm trùng của cơ thể. Một số chủng men vi sinh nhất định tăng cường chức năng miễn dịch, trong khi những chủng khác thúc đẩy cân bằng sức khỏe hoặc hormone. Những vi khuẩn tốt trong ruột sẽ tạo ra enzyme tiêu diệt vi khuẩn có hại và hỗ trợ chức năng miễn dịch. Khi dùng chất bổ sung men vi sinh, nên ưu tiên sử dụng những chế phẩm men chứa đa dạng chủng lợi khuẩn.

Dùng thực phẩm bổ sung có gây hại?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm bổ sung không phải là thuốc và không nhằm mục đích điều trị, phòng ngừa hoặc chữa khỏi bệnh. Những thực phẩm bổ sung tốt nhất cũng không thể thay thế được việc ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh giàu chất dinh dưỡng. Vì vậy chỉ sử dụng nhằm mục đích bổ sung và vẫn cần phải có chế độ ăn uống đủ chất, đa dạng, cân bằng.

Nhiều sản phẩm quảng cáo hoàn toàn tự nhiên hoặc thảo dược nhưng thành phần của chúng có thể tương tác với thuốc hoặc gây nguy hiểm cho những người mắc một số bệnh lý nhất định. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Thực phẩm bổ sung không có nghĩa là vô hại. Quá liều, tương tác thuốc, tác dụng phụ... là những rủi ro mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng. Thực phẩm bổ sung là những sản phẩm được bán mà không cần đơn và không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh. Vì vậy, không dùng thực phẩm bổ sung để thay thế cho việc điều trị y tế.

Ngay cả khi dùng với liều lượng khuyến cáo, thực phẩm bổ sung có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực. Các tác dụng phụ thường được báo cáo thường là buồn nôn, tiêu chảy hoặc nhức đầu. Đặc biệt, chất bổ sung sắt được biết là gây rối loạn tiêu hóa. Một số thành phần bổ sung, đặc biệt là thảo dược, có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như phản ứng dị ứng, tăng huyết áp và nhịp tim cao hoặc không đều. Ngoài ra, các thành phần trong thực phẩm bổ sung, bao gồm vitamin, khoáng chất, thảo dược và các loại thực vật khác, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn, khi kết hợp với một số loại thuốc, chất bổ sung khác, thực phẩm và rượu...

Mặc dù không phải là thuốc, nhưng thực phẩm bổ sung cũng cần được sử dụng đúng để đảm bảo hiệu quả và an toàn: Đúng hoạt chất, đúng đường dùng, đúng liều dùng, đúng thời điểm và đúng đối tượng.