Khi cuộc vui tan...

ANTĐ - Để đem một tác phẩm điêu khắc có sức nặng cỡ vài chục tạ hoặc vài tấn đến địa điểm triển lãm, các tác giả đã tốn nhiều công sức và tiền bạc thuê máy móc vận chuyển. Thế nhưng, khi cuộc vui tàn, các điêu khắc gia phải mướt mồ hôi để tìm một nơi thích hợp, cất những tác phẩm từng được không ít lời ngợi ca. 

Nghệ sỹ điêu khắc không khác một người thợ trong quá trình làm tác phẩm

“Cầu” ngoảnh mặt với “cung”

Các cuộc triển lãm là nơi để nghệ sỹ công bố tác phẩm và thành quả lao động trong suốt nhiều năm với công chúng yêu nghệ thuật. Nhưng bên cạnh ý nghĩa tốt đẹp đó, triển lãm cũng là nơi để các tác giả bán tác phẩm, thu hồi lại số tiền đã bỏ ra để hình thành nên các tác phẩm. Thế nhưng, với chuyên ngành điêu khắc, các cuộc triển lãm chỉ dừng lại ở ý nghĩa tốt đẹp đầu tiên. Còn việc mua và bán tác phẩm là điều quá xa vời với các nghệ sỹ. Điều này hoàn toàn trái ngược với chuyên ngành hội họa, tác giả vẫn túc tắc bán được qua các cuộc triển lãm. Còn với các nghệ sỹ điêu khắc, việc mang tác phẩm tới phòng triển lãm chỉ là góp tiếng nói chung vào cuộc vui của những người làm nghề. Việc “mang đến lại mang về” đã không còn xa lạ với các điêu khắc gia từ trẻ tới già và từ lâu đã mặc định được chấp nhận với những ai dám dấn thân và dám hy sinh vì nghệ thuật. 

Hiện trạng này đã cho thấy điêu khắc ở Việt Nam không có thị trường, khán giả không mặn mà với các tác phẩm điêu khắc và đời sống của anh em nghệ sỹ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, sau mỗi cuộc triển lãm, chi phí tác giả bỏ ra không những không thu hồi được mà lại phát sinh thêm nhiều chi phí khác cho quá trình vận chuyển. Trong mấy năm lại đây, với những người quan tâm hơn đến chuyên ngành điêu khắc đều dễ dàng nhận thấy sự tiết chế về kích thước của các tác phẩm trong mỗi cuộc triển lãm. Điều đó sẽ giảm chi phí vận chuyển cho mỗi tác giả, thuận tiện cho việc mang đi mang… về và kinh phí làm tác phẩm cũng giảm đi đáng kể và phù hợp với không gian chật hẹp của phòng trưng bày. 

Những tác phẩm có trọng lượng vài tấn, kích thước đồ sộ nếu được các tác giả theo đuổi thì cũng chỉ ra mắt ngay tại các xưởng làm việc của các tác giả. Vì vậy, một xu hướng mới trong triển lãm các tác phẩm điêu khắc đã xuất hiện là lui về ẩn dật nhiều hơn. Các tác giả thay vì vận chuyển tác phẩm đến nơi trưng bày sẽ lấy ngay địa điểm sinh ra tác phẩm để làm triển lãm. Địa điểm thường là nơi khá khuất nẻo, xa trung tâm và tất nhiên là người tới thưởng lãm cũng rất ít ỏi, vào khoảng 20 đến 30 khách. Thế nhưng, nếu có trưng bày ở nơi được nhiều người biết đến thì các tác phẩm cũng khó có khách hỏi mua. Thậm chí, với các cuộc triển lãm như vậy, giới trong nghề phục tài của nhau còn mua ủng hộ và giúp đỡ các tác giả. Vậy thì chí ít các cuộc triển lãm “ẩn dật” còn mang lại một nguồn thu nhất định cho các tác giả. 

Nghệ sỹ điêu khắc - người thợ lành nghề

Để nói về quá trình hình thành nên một tác phẩm điêu khắc, nhiều người chắc sẽ kinh hãi về các tai nạn nghề nghiệp và sự vất vả của những người được gắn mác “nghệ sỹ điêu khắc”. Nhà điêu khắc Lương Văn Việt, người chuyên theo đuổi chất liệu sắt cho biết: Có lần làm tác phẩm, anh bị lưỡi cắt nghiến gần mất ngón tay, còn chuyện bị gãy tay, gãy chân do sắt đổ vào người là những tai nạn nghề nghiệp thông thường. Hay vì lười không đeo kính mắt bảo hộ thì chuyện bị mạt sắt bay vào mắt và đến bệnh viện gắp ra chỉ như chuyện cơm bữa. Hình ảnh của điêu khắc gia trong quá trình sáng tạo tác phẩm lại được anh Lương Văn Việt miêu tả rất gần gũi là “giống như cửu vạn, vừa làm thợ vừa làm thầy”. Người nghệ sỹ, chính họ chứ không ai khác sẽ trở thành người thợ hàn, thợ đúc, thợ sơn lành nghề để truyền tải được hết ý đồ nghệ thuật mà nếu thuê nhân công sẽ vừa đắt lại thiếu đi cái hồn của tác phẩm. 

Không quá khó để nhìn thấy những vết thương, vết sẹo vẫn còn in hằn trên cánh tay, gương mặt của các nghệ sỹ làm điêu khắc. Các đồ bảo hộ lao động của người công nhân đều được tìm thấy tại các xưởng điêu khắc. Vất vả và nguy hiểm đến tính mạng là vậy nhưng cái mà nghệ sỹ điêu khắc nhận về sau mỗi tác phẩm điêu khắc nhiều khi chỉ là sự thờ ơ của công chúng và sự lạnh lùng của các nhà sưu tập nghệ thuật.