Khi biết con phạm tội tày trời, họ đã hành xử khác nhau

ANTĐ - Gia đình của Luyện đã che dấu, đồng phạm với tội ác của con; trong khi người nhà của Dưỡng đưa con ra đầu thú- như hy vọng về một “ánh sáng le lói cuối đường hầm”.

Che dấu và đồng phạm- 6 người trong gia đình Lê Văn Luyện đã phải hầu tòa

Một kẻ phạm tội, cả nhà vạ lây

Chiều 31/8/2011, sau 6 ngày lẩn trốn và chỉ sau một ngày cơ quan điều tra phát lệnh truy nã đặc biệt, Lê Văn Luyện bị bắt tại Lạng Sơn. Hắn thừa nhận là hung thủ gây ra vụ thảm sát tại hiệu vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, Bắc Giang).

Không lâu sau đó, cũng vào buổi chiều, ngày 11/1/2012, sau 2 ngày xét xử, Tòa án tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Luyện bị phạt 18 năm tù về tội giết người, cướp tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 6 bị cáo còn lại gồm: Lê Văn Miên (bố của Luyện) lĩnh án 48 tháng tù do che giấu tội phạm, đồng phạm Trương Thanh Hồng và Lê Thị Định bị phạt lần lượt 30 tháng, 15 tháng. Do không tố giác tội phạm, bị cáo Lê Thành Nghi bị phạt 15 tháng, Trương Văn Hợp 12 tháng và Dương Thị Lược 9 tháng.

Các bị cáo đều là người nhà, “ruột thịt máu mủ” của sát thủ tuổi “teen” này. Vì thương con- cháu trong sự mù quáng mà trở thành tội phạm. Trong đó, đáng trách nhất là bố đẻ Luyện- ông Lê Văn Miên: Ngày 29/8/2011, nhà của Luyện bị khám xét, cảnh sát tìm thấy một túi nilon đựng hàng trăm nhẫn, dây chuyền vàng chôn ở sau vườn. Ông Miên thừa nhận đã cất giấu hộ con trai túi vàng.

Khi biết con phạm tội tày trời, họ đã hành xử khác nhau ảnh 2Anh Nguyễn Hữu Nhiên (giữa)- người trực tiếp đưa cháu ruột ra đầu thú
Đầu thú- tia sáng cuối đường hầm

Ngắn hơn vụ Lê Văn Luyện, Nguyễn Hữu Dưỡng ra đầu thú sau 2 ngày giết bà chủ hiệu vàng Vững Bắc (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội), cướp vàng.

Người gọi điện báo cho chính quyền cấp xã về hung thủ vụ trọng án không ai khác chính là chú ruột Dưỡng- anh Nguyễn Hữu Nhiên. Do bố mẹ đẻ của Dưỡng quá sốc, nằm vật ra nhà khi biết con là hung thủ giết người, cướp vàng nên vẫn anh Nhiên- người còn tỉnh táo và mạnh mẽ nhất- nén nước mắt, lặng lẽ giao lại cho Công an xã Đông Cường một số tang vật liên quan đến vụ án mà Dưỡng mang về cất giấu trong nhà như: xe máy, áo mưa, mũ bảo hiểm… rồi cùng đưa cháu ruột lên trụ sở UBND xã đầu thú.

Dù đối với xã hội, Luyện- Dưỡng đều là những “sát nhân máu lạnh”, song đối với thân nhân của các đối tượng này sâu thẳm trong đáy lòng, vẫn là sự thương con thương cháu. Ngay cả khi Luyện- Dưỡng phạm tội ác tày trời, họ vẫn muốn níu kéo lấy một tia hy vọng sống cho con- cháu trước sự phán quyết nghiêm minh của pháp luật.

Chỉ có điều, hai gia đình đã có cách hành xử khác nhau.