Khẩu vị của các nguyên thủ quyền lực

ANTĐ - Dù được xếp vào “bí mật quốc gia” nhưng những điều ít biết về chuyện ăn uống của những nguyên thủ quyền lực nhất hành tinh vừa được tiết lộ trong cuộc gặp gỡ mới đây của 27 thành viên câu lạc bộ đầu bếp độc nhất vô nhị trên thế giới.  

Ông Gilles Bragard giới thiệu đầu bếp của Nhà Trắng Cristeta Comerford

với Tổng thống Pháp Francois Hollande

Hé lộ bí mật quốc gia

Với tên gọi “Club des chefs des chefs”, câu lạc bộ các đầu bếp cao cấp được doanh nhân Pháp Gilles Bragard thành lập cách đây 35 năm tại Paris. 27 đầu bếp hàng đầu đến từ các dinh cơ của tổng thống, thủ tướng và quý tộc, từ Trung Quốc, Sri Lanka đến Israel… năm nay gặp nhau tại Berlin, Đức, sau đó nghỉ tại kinh đô ánh sáng Paris 3 ngày để trao đổi các công thức nấu nướng và những câu chuyện trong các bữa tiệc ngoại giao. 

Trong những câu chuyện vừa được tiết lộ năm nay, Bernard Vaussion, người nấu ăn cho 6 đời Tổng thống Pháp và quan khách của họ suốt 40 năm qua xác nhận, ông chủ mới của điện Elyseé Francois Hollande tránh xa món atisô. Tuy nhiên, trái với người tiền nhiệm, ông Hollande thích món phomát và đề nghị đưa nó trở lại thực đơn của điện Elyseé.

Còn Cristeta Comerford, bếp trưởng của Nhà Trắng từ thời Tổng thống Bill Clinton tới Barack Obama, cho biết Tổng thống Obama ghét món củ cải đường. Ông này vẫn nhớ, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton “đã sa thải một đầu bếp Pháp khi bà cho rằng các món ăn của ông này quá béo”.

Một số ít người trên thế giới biết rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đam mê ẩm thực Pháp. “Bà ấy thích đến Paris bởi ở đó bà sẽ được ăn ngon. Bà có cảm tình đặc biệt với các món ăn Pháp”, Bernard Vaussion, đầu bếp của Tổng thống Pháp cho biết.

 Chuyện an ninh cho các bữa ăn của nguyên thủ cũng là điều mà nhiều người quan tâm. Người ta có nghe đến sự tồn tại của người nếm thử, nhưng có lẽ chỉ riêng ở Kremlin, nước Nga là luôn có một bác sĩ kiểm tra mọi món ăn cùng đầu bếp. Bếp trưởng của Tổng thống Putin, Vakhtang Abushidi xác nhận điều này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga không phải là vị lãnh đạo duy nhất lo ngại hiểm họa trong thức ăn, bởi Anton Mosimann, một đầu bếp thường nấu cho Hoàng gia Anh, nhớ lại, trong một chuyến thăm của Tổng thống Mỹ G. Bush tới London, ông “liên tục bị hai đặc vụ FBI theo đuôi và muốn thử tất cả mọi thứ tôi đề xuất nấu”. 

Và chuyện bếp núc

Vậy các đầu bếp thượng hạng thường tác nghiệp như thế nào? Khi chuẩn bị một bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước, các đầu bếp có thể gọi điện thoại cho đồng nghiệp trên khắp thế giới để tìm ý tưởng cho thực đơn. Mỗi bữa ăn đó phải tính đến tiêu chí về chế độ ăn uống, tôn giáo và truyền thống văn hóa của khách. Có nghĩa là họ cần nghiên cứu và lập kế hoạch tỉ mỉ, thậm chí vài đêm mất ngủ là chuyện thường. Cái khó ở chỗ, như ông Gilles Bragard, người sáng lập câu lạc bộ từng nói: “Dù được ví như những người đứng sau sân khấu nhưng các đầu bếp vẫn phải giữ được tiêu chuẩn, phong cách riêng khi tiếp đón một nhóm khách quen”.

Bên cạnh đó, việc của các bếp trưởng vẫn là lo thực phẩm và bữa ăn hàng ngày cũng như những sự kiện riêng của gia đình. Đầu bếp Anton Mosimann người Thụy Sỹ là người chịu trách nhiệm về thực phẩm phục vụ đám cưới của Hoàng tử Anh William và Kate Middleton năm 2011 kể: “Chúng tôi đã họp mất khoảng 2 tiếng rưỡi để bàn về bày bàn ăn, hoa, đĩa, dao kéo, khăn trải bàn, màu sắc chủ đạo. Đám cưới Hoàng gia là sự kiện trọng đại, và cô dâu Kate chỉ có một điều chỉnh nhỏ, họ cảm thấy rất vừa lòng”. Điều chỉnh đó đơn giản là màu sắc của món nước xốt, vị công nương tương lai cho rằng nó cần màu xanh nhạt hơn.

Các nhà lãnh đạo quốc gia cũng quan tâm đến các doanh nghiệp và sản phẩm địa phương. Ví như thực phẩm phục vụ tại Văn phòng Thủ tướng Anh số 10 phố Downing thường sử dụng nguyên liệu từ khắp nơi trên Vương quốc Anh. Nhưng có vẻ chủ nhân của Nhà Trắng cầu kỳ hơn. Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Michelle Obama lại trồng rau trong Nhà Trắng từ năm 2009, khu vườn đó ngày càng mở rộng, cây cối xanh tốt. Rau trong vườn được dùng cho bữa ăn hàng ngày và tất nhiên cho cả những bữa tiệc chiêu đãi chính thức.

Hấp lực của “dạ dày” 

Quả thật cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã đúng khi ông phát biểu cách đây một thế kỷ rằng “dạ dày chi phối cả thế giới”, ít nhất trong trường hợp các đầu bếp thượng hạng có những ảnh hưởng vô hình đến tâm trạng của các nhà lãnh đạo thế giới khi họ cần đưa ra những quyết định quan trọng. “Tôi không nghĩ các món ăn có thể ảnh hưởng đến các chính sách. Nhưng nếu mọi người ăn uống cảm thấy thích, việc trò chuyện dễ dàng hơn, khả năng tác động là như vậy”, bếp trưởng Daryl Schembeck tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, người trực tiếp chuẩn bị bữa ăn cho Tổng thư ký LHQ và mới đây vừa mở tiệc phục vụ 200 nhà lãnh đạo thế giới thổ lộ. 

Trước những căng thẳng do cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone, các đầu bếp Pháp đã nghĩ ra một sáng kiến khi Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel gặp nhau nhân kỷ niệm 50 năm hòa giải sau chiến tranh. Họ tái hiện bữa ăn nổi tiếng dành cho hai nhà lãnh đạo Charles de Gaulle và Konrad Adenauer với món thăn bò và bánh hạnh nhân mâm xôi khi hai người này ký hiệp ước hữu nghị năm 1962. 

Ông Gilles Bragard cho rằng họ đóng vai trò không thể thiếu trong ngoại giao: “Như tôi vẫn thường nói, khi chính trị chia rẽ, thì bàn ăn gắn kết mọi người”. Ông này dẫn lời chiến lược gia Talleyrand từng nói với Napoleon Bonaparte: “Hãy cho tôi một đầu bếp giỏi, tôi sẽ cho ông những hiệp ước tốt”.